Ngày 14.4.2022, công dân tên T đã bấm trúng biển số 37A-999.99.
Ngay sau khi có số “ngũ quý 9”, anh T nhận được rất nhiều cuộc điện thoại đề nghị mua lại chiếc xe.
Và cuối cùng, chiếc KIA Sonet, dù giá lăn bánh chỉ khoảng 700 triệu, đã được bán cho một người khác với giá 1,6 tỉ đồng.
Tính ra, số tiền mà ai đó đã bỏ ra mua biển “ngũ quý 9” kia lên đến 900 triệu.
Câu chuyện, chỉ chứng thực cho điều mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh, với sự kiên trì đáng ngạc nhiên- đề xuất bán đấu giá biển số xe.
Năm 2017, trước nghị trường, ông Cảnh, qua “tham khảo, trao đổi, quan sát” đã liệt kê trong mỗi series số, ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số sẽ có 12,186 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ.
“Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng 1,6 tỉ đồng. Với số lượng xe ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số lượng xe công, thì nếu thực hiện đấu giá, định giá thì trong năm 2016 chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỉ đồng”. Chưa kể, nếu thực hiện đấu giá biển số đối với xe 2 bánh thì cũng thu số tiền không kém.
Sau rất nhiều năm, cuối cùng, tờ trình về thí điểm đấu giá cũng được gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Nếu chúng ta thực hiện đấu giá, người dân có thể thoả mãn mong muốn số đẹp- bằng tiền. Và ngân sách nhà nước sẽ thu, có lẽ không chỉ là 5.000-7.000 tỉ! Một biện pháp win-win cho cả nhà nước và nhân dân. Chưa kể, đó còn chính là cách minh bạch nhất để chống tham nhũng, để dẹp bỏ những “ngẫu nhiên bất thường” khi mà biển đẹp toàn cho các chủ xe sang “ngẫu nhiên bốc trúng”.
Chỉ có một băn khoăn duy nhất là quy định người sở hữu biển số qua đấu giá “không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế”. Thậm chí, trong 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá nếu biển số đó không đăng ký gắn với phương tiện sẽ bị thu hồi.
Tài sản, thông qua một cuộc đấu giá! Phải trả bằng tiền, thậm chí rất nhiều tiền! Thiết lập thực sự quyền sở hữu mà nhà nước thừa nhận... nhưng lại không được chuyển nhượng cho tặng thừa kế. Nghe ra không thuận cả lý lẫn tình.
Quyền sở hữu, ở mọi định chế xã hội, luôn bao gồm 2 quyền- được coi là cơ bản- là quyền chiếm hữu tài sản và quyền định đoạt tài sản.
Một chính sách đúng, không thể nửa nạc nửa mỡ, không thể theo kiểu “sở hữu một nửa” như vậy được.