“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi dường như không thể cầm cự nổi vì thiếu máu cung cấp cho điều trị bệnh nhân tại 74 bệnh viện trong khu vực ĐBSCL. Chúng tôi sốt ruột vì nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng”, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chia sẻ với Báo Lao Động về tình trạng thiếu máu để cung ứng cho điều trị tại khu vực ĐBSCL.
Hàng ngàn bệnh nhân ở 74 bệnh viện Miền Tây đang bị đe dọa vì chuyện thiếu máu. Nguyên nhân là do không còn túi đựng máu cũng như không còn hóa chất để xét nghiệm máu.
Mà cũng chẳng phải đợi đến bây giờ, từ đầu tháng 3.2023, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ - nơi được xem là “trái tim” cung cấp máu cho các bệnh viện ở khu vực ĐBSCL - đã phải thông báo tạm hoãn việc tiếp nhận hiến máu tại 62 điểm hiến máu đã lên lịch khắp miền Tây với lượng máu dự kiến hơn 12.000 đơn vị. Lý do, máu thì không thiếu, chỉ thiếu túi đựng và hóa chất để nhận máu. Mà những vật tư này bị thiếu là vì thủ tục.
Những tưởng, sau hàng loạt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế chỉ đạo tháo gỡ, câu chuyện thiếu máu ở ĐBSCL đã được giải quyết. Nhưng gần 3 tháng qua, theo bác sĩ Việt, đến nay thủ tục đấu thầu chỉ mới xong bước thứ 2 và đơn vị này vẫn đang sốt ruột chờ phê duyệt, còn tình trạng thiếu máu để điều trị thì đã như nước sôi, lửa bỏng tại 74 bệnh viện trên khắp Miền Tây.
“Giờ chúng tôi phải làm sao đây khi quá nhiều bệnh nhân cần truyền máu, và cũng quá nhiều bệnh nhân tối cấp nếu không có máu sẽ chết. Với một người thầy thuốc thật sự rất đau lòng khi nhìn bệnh nhân chết mà không có máu truyền”, lời gan ruột kèm lời xin lỗi của một bác sĩ ở Trà Vinh cho thấy tình trạng bế tắc đang diễn ra tại các bệnh viện.
Cứu người như cứu hỏa, không thể để hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân tiếp tục đánh cược tính mạng của mình với cái gọi là thủ tục. Đó là chưa nói, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ không chỉ cung ứng máu cho cấp cứu, điều trị của các bệnh viện mà còn có nhiệm vụ đảm bảo nguồn máu dự phòng cho các tình huống khẩn cấp, thậm chí đó còn là nhiệm vụ dự trữ cho mục đích an ninh quốc phòng trên toàn khu vực.
Ngày 4.6, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo khẩn các đơn vị khắc phục tình trạng này. Đó là một sự vào cuộc nhanh chóng, hy vọng sẽ kịp thời dập tắt cơn “khủng hoảng”, không chỉ cho Cần Thơ mà cho cả khu vực ĐBSCL.
Để có đủ lượng máu cho các bệnh viện cứu người thì ngay lúc này, “trái tim” của cả ĐBSCL đang rất cần được cấp cứu.