Tại phiên họp Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chiều 28.12, các báo cáo cho biết chuyển đổi số đạt kết quả nổi bật năm 2023. Nhờ khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thời gian đón tiếp bệnh nhân ở các cơ sở y tế ước tính giảm hơn một giờ so với trước.
Cụ thể, thời gian đăng ký khám chữa bệnh từ 10 phút đến vài giờ trước đây giờ chỉ xuống còn 10 giây. Thời gian chờ cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi từ 5 xuống 2 ngày; giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống 7 ngày...
Những con số vừa kể là thành quả nhìn thấy rõ ràng nhất của công cuộc chuyển đố số trong lĩnh vực y tế.
Tuy vậy, có những con số và thực trạng khác liên quan đến chuyển đổi số, cũng của ngành y tế, lại gợi lên rất nhiều băn khoăn.
Ví dụ như nhiều bệnh viện ở TPHCM được địa phương đầu tư ngân sách hơn 13 tỉ đồng để chuyển đổi số. Và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là cơ sở y tế đầu tiên đã được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện triển khai Bệnh án điện tử (BAĐT), bắt đầu từ ngày 1.1.2024.
Tuy nhiên trên Lao Động, ThS.BS Lương Công Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang “la làng” rằng, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, đang “thiệt đơn thiệt kép” khi triển khai BAĐT do thiếu cơ chế hỗ trợ đặc thù, tính đúng, tính đủ… khi thanh toán với các bên liên quan.
Hiểu nôm na, khi áp dụng BAĐT, bệnh nhân sẽ được hưởng lợi thấy rõ từ quy trình khám chữa bệnh nhanh và ít thủ tục hơn. Nhưng ngược lại, bệnh viện không chỉ đang ôm phải một mớ bòng bong thủ tục rối rắm với các bên mà còn mất thêm tiền do có nhiều khoản BHXH không chịu thanh toán.
Trong dự thảo mới đây, Bộ Y tế đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Đây là một mục tiêu khó thành hiện thực nếu nhìn thực trạng như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Và cũng như trước đó, trong Thông tư 46/2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023, các bệnh viện hạng một trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 50 trên khoảng 1.300 cơ sở y tế công bố thử nghiệm chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Sự thiệt đơn thiệt kép đang diễn ra tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, chuyển đổi số không phải là chuyện riêng của ngành Y tế mà là chuyện chung, nên cần có sự vào cuộc tập thể để phối hợp, hỗ trợ, tạo cơ chế thực hiện… của tất cả các bộ, ngành liên quan.
Nếu không, sẽ khó để có được lợi ích kép, thậm chí lợi ích tam từ chuyển đổi số như lời ông Chủ tịch Tập đoàn FPT.
Hay như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chiều 28.12: Tinh thần là không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số và Việt Nam phấn đấu bắt kịp, đột phá kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực!