Đầu tiên là một tin tốt. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Lợi, TP Rạch Giá (Kiên Giang) xác nhận đã ký giấy khen đột xuất cho một đảng viên ở khu phố 3 vì "đạt thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19".
Thành tích là gì? Là anh ấy đã dừng việc thôi nôi con trong hoàn cảnh cả nước đang thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Trong hoàn cảnh cả nước chống dịch, trong cá biệt một Phó giám đốc bệnh viện vừa nhận trát đình chỉ công tác sau một đám cưới rình rang cho con thì thật ra, việc làm của người đảng viên nọ rất đáng để biểu dương, nếu không có cái giấy khen ủy ban.
Bởi, lợi bất cập hại, một việc mà cán bộ đảng viên phải làm, nên gương mẫu làm thì lại được tô hồng, long trọng thái quá, gây ra những phản ứng, ít nhất là về sự bất công với những người nỗ lực chống dịch.
Tin thứ hai, cũng là một tin tốt. UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), đã chỉ đạo hủy quyết định xử phạt tài xế 200.000 đồng về hành vi tụ tập quá 2 người trên cabin xe.
“Máy móc” - là nhận xét của bà Phó Chủ tịch huyện, trước quyết định của chính quyền xã Vụ Bổn, xử phạt 1 tài xế và 2 nhân viên giao hàng hóa mì gói, nước mắm... vì lỗi: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch (chở 3/2 người trong cabin xe)".
Nhưng sáng nay, lại vừa có tin Hạ Long sẽ thực hiện biện pháp bêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Lưu ý, đây cũng là địa phương thực hiện hạn chế ra đường sau 22h. Cũng là địa phương đổ đất cấm đường...
Cần phải nói rõ, đi chợ, tới hiệu thuốc... là một trong những hoạt động cơ bản tối thiểu mà cả chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ cũng như tất cả các địa phương đều cho phép thực hiện trong thời gian cách ly.
Việc Hạ Long kiên quyết, bằng cách bêu tên người đi chợ quá hai lần, dù chỉ là một cách làm thể hiện sự quyết liệt của chính quyền trong phòng chống dịch, nhưng phải nói là rất thái quá, rất máy móc, không khác gì việc đổ đất cấm đường.
Ý tưởng thì tốt, nhưng ngay bản thân quy định đã gây phản ứng, thậm chí đàm tiếu dư luận.
Phản ứng, đàm tiếu, vì “đi chợ 2 lần/ngày” là rất rất cá biệt, nếu như không nói là hầu như không mấy xảy ra.
Một văn bản mang tính quy phạm, ràng buộc với số đông không thể không căn cứ vào thực tế như vậy.
Một văn bản, ràng buộc số đông, càng không thể có hiệu quả nếu bản thân nó đã ngay lập tức gây phản ứng. Huống chi việc bêu tên lên phương tiện truyền thông, với một hành vi vi phạm hành chính cũng đã cần phải xem xét lại. Bởi mục đích không thể là một lý do bao biện cho cách làm.