Thế nào là sống hạnh phúc? Theo quốc tế, đó là sự hài lòng, sự hài lòng này không tính bằng tiền mà tính tới sự công bằng xã hội, tính trung thực, sự tin tưởng, sức khỏe tốt. Giám đốc Viện Trái đất, Đại học Columbia (Mỹ) Jeffrey Sachs khi đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia để xếp hạng hạnh phúc đã nêu Thụy Sĩ là nước đứng đầu vì có những con đường rải sỏi và sôcôla ngon hơn Đan Mạch - nước trước nay vẫn xếp loại nhất. Thứ nhì là Iceland với truyền thống văn hóa và thiên nhiên đẹp đẽ. Nauy có mùa hè không tắt nắng và ẩm thực thú vị. Canada với phong cách Châu Âu và sở hữu các kỳ quan của Châu Mỹ (Mỹ thứ 15, Anh thứ 21, Singapore thứ 14, Đài Loan 38).
Ngoài tiêu chí chung, không có gì vĩ đại, nhưng lại rất dung dị đó, còn tính đến các yếu tố như GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, có ai đó để nương tựa, tự do lựa chọn các quan điểm cuộc sống, rộng lượng với nhau và ít tham nhũng - ít, chứ không nói không có.
Xem ra Việt Nam ta thứ 75 là chuẩn với một nước từ nghèo vượt lên trung bình. Còn những thứ cụ thể là hay, là đẹp ở ta đâu có thiếu, kể cả các kỳ quan, di sản thế giới. Nhưng với giá xăng dầu cao hơn thế giới, đường cao tốc VN “chưa là cái đinh” so với cao tốc Mỹ nhưng đắt hơn gấp mấy lần thì đã rõ vì sao nước còn ì ạch trên đường và dân còn khổ nhiều hơn sướng. Ấy là chưa nói đến top bia, top mì tôm và top chó (5 triệu con bị ăn thịt/năm)…
Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thấy Trung Quốc thứ 84, Afghanistan thứ 153, Syria 156, Togo đội sổ 158, thì cũng hơn được khối nước đấy. Hơn nhưng chưa tự hào cho lắm. Vì một lẽ, dân tộc ta đã chiến đấu, hy sinh quá nhiều cho độc lập, thống nhất. Hòa bình phát triển cũng đã 40 năm mà “bước đi ban đầu” vẫn còn thấy “đôi vai gánh nặng, con đường thì xa” (thơ Tản Đà). Nhưng ai cũng biết, chúng ta không hề dừng lại, dù phải làm lại (hay tái cơ cấu) nhiều thứ, nhưng tin rằng, rất cả sẽ hợp lý hơn và cũng hợp tình hơn. Cái lý bao giờ nghe cũng hay, cũng đúng. Nhưng cái tình tưởng nghe nói dễ mà làm quá khó. Khó cụ thể là khi ta nói bình quân hơn 2.000USSD/năm/người Việt, đã cố tình hay vô ý quên có đến 70-80% dân ta không được như thế đâu…