Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn một câu chuyện tại xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để dẫn chứng cho những nghịch lý của chương trình nông thôn mới và thoát nghèo.
Đại ý khi chưa được “nông thôn mới”, học sinh của một trường học nơi đây vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên sau khi chính quyền địa phương xây dựng thành công “nông thôn mới”, học sinh của trường này đã nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa.
"Đây là thực tế khiến người làm chính sách đắn đo và đau lòng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thực tế gây đau lòng và đắn đo này nói lên rất nhiều điều. Trước hết, nói như Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu): "Giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao”.
Nó còn là áp lực thành tích, chạy theo số lượng khi “một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng".
Thoát nghèo, đôi khi còn là câu chuyện của quyết tâm hay ý chí vươn lên, không chỉ của người dân mà còn cả với lãnh đạo địa phương. Như băn khoăn của Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH Phú Yên) tại phiên thảo luận về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Rằng, tại sao cùng trong một điều kiện, cùng một khu vực, cùng hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo; có những người lại khó khăn mãi, chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo?.
Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn mà được trở lại hộ nghèo lại vui. Họ mong muốn tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo?
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan là chính sách chưa ổn, cấu trúc của chương trình còn lỏng lẻo; việc thực hiện chương trình chịu áp lực kép đúng như băn khoăn của Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa.
Đáng nói là nghịch lý của nông thôn mới, của thoát nghèo thì buồn, được trở lại nghèo thì vui không phải là chuyện gì mới mẻ. Đây là vấn đề đã được nêu ra từ rất nhiều năm trước và trên diễn đàn Quốc hội cũng đã nhiều lần mổ xẻ nguyên nhân, đặt vấn đề về giải pháp.
Tuy nhiên tại kỳ họp lần này, mới nhất lại là chuyện đau lòng và đắn đo của người làm chính sách khi học sinh phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa sau khi nơi mình sống được lên “nông thôn mới”.
Và giải pháp, theo như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan thì vẫn ở giai đoạn cần tư duy lại mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông thôn mới trong các chương trình mục tiêu quốc gia.