Việc ông công bố số điện thoại nóng 24/7 để trực tiếp lắng nghe người dân chừng đó thôi cũng đủ cho “những cái mặt kênh kiệu” không còn đất sống nữa. “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” đã là quý. Song, với ông Đinh La Thăng phải là: Lắng nghe và hành động. Lắng nghe dân và gần dân đã khó. Người lắng nghe, hứa hẹn chờ giải quyết đã là ít. Đằng này, tân Bí thư Đinh La Thăng nghe, hành động và giải quyết.
Việc làm của ông Đinh La Thăng đã gây hiệu ứng mạnh mẽ không chỉ đối với người dân mà đặc biệt là những cán bộ đang yên vị với vị trí lãnh đạo của mình. Làm sao họ có thể ngồi yên cho được và dù có muốn thì vẫn không thể “ngồi yên” được nữa. Vì sao? Hãy hình dung đơn giản như thế này, khi tất cả mọi người đều dẫm chân tại chỗ, họ không hề biết cho đến khi... có người chạy lên phía trước. Cách làm của Bí thư Đinh La Thăng không cần hô hào, không cần kêu gọi, không cần giáo dục bởi chính ông đã là một bài học sống động, thực tế mà bất cứ vị lãnh đạo nào đang ngồi trên ghế của mình cũng cảm thấy xấu hổ nếu chưa làm được gì nhiều cho dân mà chỉ chăm chăm vun vén cho lợi ích của riêng mình. Đơn cử như qua câu chuyện bò sữa huyện Củ Chi, Bí thư đã gửi đi một thông điệp đơn giản về một việc làm đơn giản nhưng nhiều người vì không hề để tâm nên đã không làm được: “Muốn bán nông sản cho dân, người đứng đầu chính quyền tối thiểu phải biết được vì sao nông sản không bán được, thay vì ngồi kêu ca”.
Việc làm của ông Đinh La Thăng đã được người dân ủng hộ, tin tưởng. “Hiện tượng Đinh La Thăng” đã thổi một luồng sinh khí mới về một tương lai tốt đẹp của đất nước. Song, sẽ là khó khăn cho người tiên phong nếu không có những người xung quanh cùng đồng sức đồng lòng, mà điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào sự thay đổi của các cán bộ lãnh đạo. Hi vọng rằng, sau sự “không thể ngồi yên” của người dân sẽ là sự “không thể ngồi yên” của các vị lãnh đạo.