Ghi nhận ý kiến từ người lao động, tại phiên làm việc ngày 21.5, Chính phủ đã trình Quốc hội về “quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về bảo hiểm xã hội một lần”.
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 21.5, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN- ĐBQH tỉnh Đồng Nai - Đặng Ngọc Tùng cho biết: Khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, Tổng LĐLĐVN đề nghị giữ nguyên điều này, vì để cho người lao động có quyền được lựa chọn, nhưng đa số ý kiến không đồng ý nên dự án luật đã được thông qua.
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: "Theo đánh giá về lâu dài, Điều 60 được quy định như tại Luật năm 2014 là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi. Nhưng có những người lao động vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp.
Tại phiên thảo luận ở tổ về Điều 60, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đã chia sẻ: "Làm luật như vậy tôi rất buồn, với tư cách ĐBQH, tôi thấy xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng".
Không riêng ĐBQH Trần Hoàng Ngân, nhiều ĐBQH đã bảy tỏ sự ân hận khi chưa sát với đời sống người lao động có thu nhập đồng lương thấp, nếu Điều 60 có hiệu lực thi hành, phần thiệt người lao động lãnh đủ, khi họ không thể đóng tiếp bảo hiểm, chờ đến ngày hưởng lương hưu. ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) day dứt: "Tôi trách tôi đầu tiên". ĐBQH Võ Thị Dung (TPHCM) thẳng thắn: "Việc sửa Điều 60 thì QH cần thẳng thắn nhận lỗi với người lao động".
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội sửa điều luật này cho phù hợp với nguyện vọng người lao động được nhận BHXH một lần.
Dẫu rằng, nhận BHXH một lần là thiệt thòi về lâu dài cho người lao động, nhưng, việc ngưng việc tập thể của công nhân nhà máy Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) phản ứng Điều 60, cho thấy bức tranh thực tế về đời sống người lao động ở các khu công nghiệp. Vì đồng lương quá thấp nên họ muốn được nhận một lần để trang trải cuộc sống trước mắt, họ không nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già.
Ai cũng biết, phần lớn công nhân ở các khu công nghiệp đều “bước chân” từ ruộng đồng mà ra, không mấy người nghĩ đến gắn bó cả đời với nghề, vì khi có tuổi không đáp ứng được yêu cầu làm việc ngặt nghèo cũng như chính sách khắc nghiệt trong tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, họ chỉ nghĩ làm việc một thời gian để có tiền lương ổn định. Vì vậy, người lao động muốn nhận BHXH một lần.
Một điều luật chưa có hiệu lực thi hành và chính phủ sớm nhận ra là không phù hợp với nguyện vọng một bộ phận lao động, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thì: Cần xem xét lại cách lấy ý kiến trong xây dựng luật, xem tính phổ quát và thực chất của việc lắng nghe dân đã tốt chưa. Vì trong quá trình khi lấy ý kiến về Điều 60 cũng đã có những ý kiến phản ứng, nhưng việc nghe rồi tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi đưa vào luật thì cần xem lại.
Cũng may, Điều 60 chưa có hiệu lực thi hành nên cũng không gây phiền hà cho người lao động khi muốn nhận BHXH một lần. Và cũng hy vọng, từ việc sửa đổi Điều 60, các ĐBQH sẽ cân nhắc khi bấm nút thông qua những điều luật mà còn có những ý kiến khác nhau từ cử tri. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng: Thực tế không phải ĐBQH nào cũng am hiểu thực tiễn, nên chính trong tranh luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau, sẽ giúp ĐBQH có điều kiện lắng nghe giải thích của người khác.
Lắng nghe ý kiến phản biện từ xã hội, từ người dân để luật hoàn chỉnh hơn, có tính khả thi trong cuộc sống, là điều hết sức cần thiết, thưa các ĐBQH.