Những dữ kiện trên có nguồn từ chính bảo hiểm xã hội. Và trong khi nguồn lực dành cho việc tăng lương có hạn, đã có không ít ý kiến rằng: hẵng tăng trước cho những người lương thấp.
Chúng ta có thực tế là những người về hưu trước 1975, lương thấp đến đáy, tức là chỉ 3 triệu/tháng; không ít chỉ 1,3 triệu, thậm chí, thấp nhất chỉ 350 ngàn.
1,3 triệu thì sống bằng gì? Khi thậm chí nó còn thấp hơn cả chuẩn nghèo mới ở nông thôn (1,5 triệu). 3 triệu thì sống bằng gì, khi giá cả như con tốt, chỉ tiến không lùi, khi ngoài chi phí tối thiểu cho một cuộc sống tối thiểu, những người hưu trí phải chi phí rất lớn cho sức khoẻ, cho y tế.
Giữa 100 triệu và 350 ngàn là một khoản chênh lệch lớn về hưởng thụ. Nhưng, thưa các bạn, sự chênh lệch này có xuất phát điểm là một sự chênh lệch khác trong đóng góp.
Chẳng hạn, những nông dân ở Nghệ An đang có mức lương 350 ngàn chỉ đóng góp vài năm, với mức đóng góp có khi chỉ 10 ngàn đồng mỗi tháng. Trong khi “ông giám đốc” chẳng hạn (xin nói rõ là giám đốc một doanh nghiệp FDI), mức lương hưu 100 triệu được hình thành trong 23 năm. Trước năm 2006, khi số tiền đóng bảo hiểm không bị giới hạn mức trần, “ông giám đốc” đã đóng trung bình 69 triệu/tháng trong suốt 15 năm. Ngay cả tháng trước khi về hưu, “ông giám đốc” đã đóng đến 23 triệu cho tháng cuối cùng ấy.
Có thể hôm nay chúng ta nhìn thấy giữa mức lương hưu 100 triệu và 350 ngàn, hay 1,3 triệu, hay 3 triệu là một khoảng cách vời vợi. Nhưng khoảng cách ấy không hề là vô lý.
Sự vô lý, nếu có, thậm chí thuộc về “ông giám đốc”, người bị khống chế chỉ được hưởng 62% mức đóng chứ không phải là 70%.
Nếu đợt điều chỉnh lương tới chúng ta chỉ tăng lương cho những người lương thấp thì phải chăng chúng ta đã không công bằng với những “ông giám đốc”, những người đã cống hiến, đã đóng góp rất lớn, rất nhiều?
Cái chúng ta lo lắng là lương hưu thấp đến không đủ sống. Và điều đó cần phải thay đổi. Nhưng thay đổi hoàn toàn không có nghĩa là phá vỡ sự công bằng, phá vỡ nguyên tắc đóng cao thì hưởng nhiều, đóng thấp thì hưởng ít.
Vấn đề chính, các bạn ạ, là ở chỗ với đồng lương “không đủ sống”, mà phải nói thẳng là “chết đói”, thì chúng ta sẽ được tăng bao nhiêu? Có bù đắp cho sự mất giá đồng tiền suốt nhiều năm qua vì lạm phát? Và sau khi “tăng lương” thì có để xảy ra tình trạng “tát nước theo lương”, thậm chí, lương chưa tăng gì giá đã tăng.
Không thể có chuyện chỉ tăng cho những người lương thấp được đâu.
Bởi suy cho cùng, công bằng thì phải là cho tất cả mọi người chứ không thể có ngoại trừ, nhất là đối với những người đã đóng góp rất lớn.