Theo thông báo mới nhất, tàu NA2 xuất phát tại Vinh tạm dừng chạy từ ngày 21.2; tàu NA1 xuất phát tại Hà Nội tạm dừng chạy từ ngày 22.2.
Những người quê Nghệ An hay thường xuyên đi công tác vào đây không lạ những chuyến tàu này. NA1, NA2 chạy vào “khung giờ vàng”, là tàu nhanh, khởi hành khung giờ từ 21h30- 22h30, khá tiện lợi, chỉ cần qua một đêm là đến Vinh, hoặc ra Hà Nội.
Bởi thế dừng tàu là điều đáng tiếc nhất là điều kiện đi lại đã mở hơn rất nhiều và đến mùa sinh viên nhập học.
Đây không phải là lần đầu Tổng công ty Đường sắt phải quyết định dừng tàu. Nhưng lần này, lại là vấn đề lớn đối với đường sắt: nhu cầu đi lại tăng lên, đường sắt vẫn…ế.
Năm ngoái, Tổng công ty Đường sắt lỗ 670 tỉ đồng. Trước đó, năm 2020, lỗ 1300 tỉ. Như vậy chỉ 2 năm COVID-19, Tổng công ty lỗ tới 2000 tỉ.
Và năm 2022, theo dự tính, sẽ lỗ thêm 580 tỉ nữa.
Tại buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt hồi cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phải thốt lên: “Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa”.
Giải pháp giảm giá vé với một số điều kiện, một số đối tượng áp dụng gần đây đã được đưa ra. Thế nhưng đó chưa giải quyết được vấn đề khi sự cạnh tranh của hàng không, xe khách rất quyết liệt với một loạt chữ hơn: nhanh hơn, tiện hơn, dịch vụ tốt hơn.
Tương lai nào cho đường sắt?
Hiện đường sắt được đầu tư 7.000 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam. Mới đây, Tổng công ty Đường sắt tiếp tục có văn bản gửi các bộ ngành kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp hơn 40 nhà ga đường sắt, với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỉ đồng.
Nếu có thêm từng đó tiền, liệu đường sắt Việt Nam có đảm bảo khởi sắc, có đảm bảo không phải “dừng tàu” vì ế khách?
Phải thừa nhận, đường sắt đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng và người. Dự án đường sắt tốc độ cao đã được Bộ GTVT trình Chính phủ với chiều dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, nối Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách, còn đường sắt quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.
Lúc ấy đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ.
Nhưng đó là câu chuyện của…tương lai, của 20 hay 30 năm nữa.
Còn hiện tại, nó phải là câu chuyện đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ thậm chí phải có phương án cổ phần hoá, để tư nhân tham gia vực dậy ngành đường sắt.
Nói như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được”, càng không thể chọn phương án cắt lỗ bằng cách dừng tàu.