Một cán bộ trong ngành Giáo dục lại nói về hành vi vi phạm pháp luật của mình như một lẽ thường tình, như một cái lý đương nhiên ở đời, quả thật đáng sợ.
Mọi người đều “gù lưng”, có nghĩa là những người chung quanh đều làm sai, làm quấy, còn mình phải làm theo vì không dám “thẳng lưng”, có nghĩa là sẵn sàng làm điều sai, kể cả vi phạm pháp luật, vì đứng thẳng lưng lên thì sẽ là khuyết tật. Bạn đọc của Báo Lao Động đau đớn lên tiếng rằng: “Khi điều đúng bị coi là khuyết tật”.
Bà Diệp Thị Hồng Liên đại diện cho nhiều kẻ vi phạm pháp luật ngụy biện, xảo biện, đổ tội cho số đông, cho tập thể đã lôi kéo mình. Nhưng bà Liên quên rằng, nếu là người tốt thực sự, thì không bao giờ can dự vào việc xấu. Bà không phải là đứa trẻ con để người lớn dụ dỗ cho kẹo.
Nhưng cũng thật đau xót, đó là có một thực tế, trong nhiều vụ án, cả một tập thể gồm nhiều người cùng dính vào một đường dây phạm tội, tham nhũng. Trong môi trường có nhiều người xấu, làm người tốt cũng phải trả giá, hoặc là cùng hùa theo người xấu, hoặc là không tồn tại trong tổ chức đó.
Cũng tại phiên tòa trên, còn một chi tiết đáng quan tâm, nó không chỉ là câu chuyện của một vụ án, mà có thể xảy ra ở nhiều vụ án khác.
“Anh Vinh dặn dò bị cáo chỉ cần một mình bị cáo nhận tội còn lại vợ con và tất cả mọi thứ ở ngoài các anh sẽ lo liệu”, đó là lời khai của cựu Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy Đỗ Mạnh Tuấn. Còn “anh Vinh” là Nguyễn Quang Vinh - cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
Cấp trên, chức to thì tội to, nhưng lại bảo “đệ tử” nhận tội thay, để mình vẫn nệm ấm chăn êm với vợ với con, còn đệ từ thì vào tù. Thật phi đạo đức, phi đạo lý!
Và với những vụ án tham nhũng khác có bao nhiêu người đã từng nói câu nói như Nguyễn Quang Vinh?