Đó là nội dung ghi lại trong đoạn clip dài hơn 5 phút quay lại trong một lớp học cấp 3 được cho là tại Trường THPT N.C.T.
Dư luận bức xúc, học sinh, phụ huynh lên tiếng phản đối ứng xử của nữ sinh này. Ở Việt Nam, truyền thống "tôn sư trọng đạo" được đề cao, cho nên một hành vi vô lễ với thầy giáo đều bị lên án.
Còn nữa, truyền thống người Việt đề cao sự nết na, dịu dàng, đằm thắm của phụ nữ, một nữ sinh nói lời tục tĩu với thầy giáo là điều khó được chấp nhận.
Sai phạm đương nhiên phải xử lý, nhưng phải xem xét nhiều yếu tố, không nên đẩy học sinh vào đường cùng. Ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm: “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường xác minh làm rõ trách nhiệm của giáo viên và cả học sinh liên quan đến đoạn clip đã chia sẻ. Quan điểm của ngành giáo dục là xử lý nghiêm, tuy nhiên cũng cần hài hòa, không nên vì một lỗi lầm mà hủy hoại tương lai của nữ sinh, thầy giáo trong clip”.
Rất đồng tình với ông Võ Hoàn Hải, xử lý nghiêm, nhưng giáo dục là giúp con người sửa đổi để hướng thiện, để làm người tốt. Giáo dục không phải là trừng phạt, xua đuổi, ruồng rẫy.
Nhiều người bị "sốc" và lên án em, nhưng việc gì cũng có căn nguyên của nó. Có thể em có hoàn cảnh riêng, gia đình khó khăn, cha mẹ không có điều kiện dạy dỗ con cái nhiều. Có thể em bị những chấn thương nào đó về tinh thần, cho nên có những hành xử bộc phát thiếu kiềm chế. Nếu nhìn em bằng tấm lòng nhân ái, sẽ có nhiều cách để cảm thông. Thậm chí, còn chia sẻ với tình thương nhiều hơn là giận, ghét.
Một người chưa tốt, hoặc hư đốn mới cần sự giáo dục.
Trong mấy ngày qua, vì lo sợ sức ép của dư luận nên nữ sinh này đã nghỉ học ở nhà. Có lẽ em cũng xấu hổ, ân hận vì việc làm sai trái của mình.
Em đang cần sự tha thứ. Trước hết là thầy giáo, người bị em xúc phạm và có thái độ vô lễ. Em cũng cần sự tha thứ từ các thầy cô giáo, bạn bè, học sinh trong trường.
Dư luận hãy ngừng lên án em, để em có cơ hội trở lại với trường học, để trưởng thành, làm người tốt, hữu ích cho xã hội.