Đó là trả lời của chị Thu Phương - một du khách từ Hà Nội - đã không một chút e dè khi nói về chuyến đi du lịch Hạ Long ở thời điểm này.
Du lịch, ngành được cho là tổn hại nhất bởi dịch COVID-19 đang tìm cách trở lại hoạt động theo cách “bình thường mới”. Nhưng để có được điều đó thì cần phải có sự thay đổi trong cách nghĩ của mỗi người dân: Phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài với COVID-19 và để tồn tại và phát triển thì vẫn phải làm việc, vẫn phải đi du lịch những nơi đã an toàn.
Nếu mỗi người, mỗi gia đình tự đóng cửa, tự thu mình lại sẽ kéo theo sụt giảm, trì trệ của nền kinh tế.
Trong hai ngày liên tiếp, 27 và 28.8, ở những cuộc họp khác nhau nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại vấn đề: Cả nước chuyển trạng thái nhận thức mới cho mục tiêu kép. Đây là chiến lược dài hơi cần nội dung mới để các ngành, địa phương có kịch bản cụ thể. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng: Một số địa phương đã quá tay khi cấm cả các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng ăn uống, không tạo điều kiện cho chuyên gia làm việc ở các ngành trọng điểm; có phương án để chuyên gia, nhà đầu tư có thể quay lại Việt Nam.
“Cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để làm sao vượt qua khó khăn”. Đó không chỉ là câu hỏi mà còn là yêu cầu, mệnh lệnh của Thủ tướng.
Cơ sở để tạo niềm tin trong tương lai là những con số đáng khích lệ: Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15.8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,2 tỉ USD, tăng khoảng 1,8%, tương đương gần 3 tỉ USD so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,2 tỉ USD, giảm khoảng 4 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính đến trung tuần tháng 8, Việt Nam đạt mức xuất siêu 10 tỉ USD.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: Dù gặp khó khăn kép, cả về dịch bệnh COVID-19 và thiên tai nhưng đến giờ, có thể khẳng định mục tiêu 43,5 triệu tấn lương thực đạt được. Tính đến giữa tháng 8.2020, xuất khẩu gạo tăng 12%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt mục tiêu 41 tỉ USD đề ra.
Bình thường mới ngày hôm nay, sang đến ngày mai sẽ trở thành “cũ”. Sự thích nghi, thay đổi chính là một thước đo, đòi hỏi sự vận hành của cả một hệ thống. Trong đó, sự thay đổi về tư duy, nhận thức của mỗi người dân đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển dịch, thích ứng, hoàn thành “mục tiêu kép” đã đề ra.