Bộ Nội vụ thông tin, sắp tới sẽ làm điểm việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển, hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Thông tin về quy hoạch sáp nhập tỉnh đang được dư luận hết sức quan tâm. Bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít ý kiến băn khoăn. Những người không đồng tình với chủ trương sáp nhập tỉnh đưa ra các lý do như bài học thất bại trong quá trình nhập - tách tỉnh thời kỳ từ 1975 đến 1990; cho rằng mô hình, địa giới hành chính cấp tỉnh thời Pháp thuộc là mẫu mực, “dự báo” khó khăn, thất bại đối với việc sáp nhập tỉnh.
Băn khoăn về việc sáp nhập tỉnh là có cơ sở vì đây là sự thay đổi ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều người, có rất nhiều khó khăn, lực cản, tốn kém kinh phí, cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, việc sáp nhập tỉnh là xu thế tất yếu, xuất phát từ thực tế nước ta diện tích không lớn, nhưng có đến 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít.
Bên cạnh đó, có những khu vực như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực miền Trung các tỉnh diện tích nhỏ, ít dân số bố trí san sát, dân cư lại có điểm chung về đặc điểm văn hóa, mặt bằng dân trí, thuận lợi cho việc tổ chức đơn vị hành chính mới.
Hiện nay, bộ máy hành chính cồng kềnh, số lượng quá lớn và chi tiêu công tốn kém đang tạo nên áp lực ngày càng lớn cho ngân sách. Nhu cầu giảm biên chế, giảm chi tiêu công, thiết lập bộ máy hành chính tinh gọn đang trở nên cấp bách. Đặc biệt là trong lộ trình này, chúng ta đã tiến hành sáp nhập thôn, xã, huyện thì sáp nhập tỉnh là điều đương nhiên.
Từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, lịch sử đã trải qua chặng đường 35 năm, hoàn cảnh đã thay đổi, kinh tế - xã hội đất nước có sự phát triển vượt bậc, hạ tầng giao thông - thông tin đã từng bước hoàn thiện và hiện đại, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, dân trí nâng cao, pháp luật đã hoàn thiện, thủ tục hành chính ngày càng được cải cách, nhiều dịch vụ công đã được chuyển sang xã hội hóa... Đặc biệt, khả năng, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã nâng cao, tiến bộ vượt bậc.
Thế giới ngày càng phẳng hơn, ranh giới vùng miền, thậm chí ở nhiều quốc gia như ở Châu Âu, đã bị xóa bỏ, tình trạng cục bộ địa phương đã cơ bản chấm dứt. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi cho việc sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Việc lấy cách tổ chức đơn vị hành chính cấp tỉnh thời thuộc Pháp làm “chuẩn” là không hợp lý, bởi điều kiện kinh tế - chính trị-xã hội đã thay đổi, khác biệt hoàn toàn, tư duy, tầm nhìn cũng không thể giữ nguyên như cũ.
Mục tiêu xây dựng nền hành chính quốc gia tinh gọn, hiệu lực cao đang là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.