Chỉ vì rò rỉ thông tin về quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, xây khu đô thị mới, khu du lịch... thậm chí là các dự án đang giai đoạn nghiên cứu khả thi, là tin đồn, nhưng giá đất "vùng dự án" đã lập tức bị thổi phồng. Mặc cho những bài học nhãn tiền về "ôm đất", "lướt sóng" không kịp để rồi tiền mất tật mang diễn ra khắp nơi, mặc cho cảnh báo của chính quyền, người dân vẫn bị hút theo lợi nhuận trước mắt, đổ nhau đi mua, góp phần tạo nên cơn sốt đất ảo...
Cuối tháng 2.2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định 241/QĐ-TTg - 24.2.2021), trong đó có 3 tỉnh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Bắc Ninh, TT- Huế và Khánh Hòa. Dù biết từ kế hoạch cho đến thực tiễn là một bước dài, đầy khó khăn và chưa chắc đã thành công, tuy vậy, lập tức thị trường bất động sản, nhà đất ở các địa phương này đã bị thổi bùng theo hướng bất thường, trái quy luật. Sốt đất diễn ra từ đầu tháng 3 đến nay.
Tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú, Đồng Nai đi Bảo Lộc, Lâm Đồng thì hiện nay xuất hiện thực trạng nhiều người dân ở TP.HCM đổ xô lên thành phố Bảo Lộc để mua đất "đón" cao tốc.
Hay việc UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh các dự án dọc Quốc lộ 25, trong đó có một số khu vực quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị thì mấy ngày qua, người dân ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa đã đua nhau bán đất ruộng...
Ngoài việc gây rối loạn thị trường, mất an ninh trật tự, thì hiện tượng thổi giá đất tăng ảo sẽ để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội khi "vỡ bong bóng" bất động sản. Dân không chỉ mất đi chính mảnh đất canh tác, là sinh kế bền vững từ bao đời mà nhiều nhà vì bất đồng trong phân bổ thừa kế, ăn chia mà mâu thuẫn, xung đột, tan vỡ cả gia đình. Nhiều người vỡ nợ vì vay ngân hàng, bốc nóng từ tín dụng đen... mà rơi vào cảnh kiệt quệ, bế tắc.
Bởi những người môi giới, "cò đất" không phải là những nhà đầu tư dự án thực thụ. Họ chỉ lợi dụng thông tin mới về quy hoạch, triển khai các dự án mà mua đi bán lại đất để kiếm lời từ chênh lệch giá. Họ nắm rõ quy luật mua bán, thậm chí làm chủ cả cuộc chơi thổi giá. Chỉ những người dân thiếu kinh nghiệm, say với lợi nhuận trước mắt là dễ bị sập bẫy, là kẻ phải ôm nợ cuối cùng.
Trong khi Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ, người sử dụng đất có quyền buôn bán, tặng cho, chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật, nên chính quyền cũng chỉ khuyến cáo chứ khó can thiệp được.
Tuy vậy, ngoài việc công khai minh bạch các đồ án quy hoạch, xây dựng, niêm yết, công bố các dự án cho dân rõ, thì chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giải thích giúp dân. Đặc biệt, sớm vào cuộc giám sát, buộc các hợp đồng mua bán bất động sản phải tuân thủ đúng pháp luật, đóng thuế đầy đủ các lượt mua bán chuyển nhượng... để dẹp bỏ các phi vụ mua bán giả giữa các cò đất, "chân gỗ" (không thanh khoản), thổi giá ảo để lừa đảo.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân phải hết sức tỉnh táo trước sức hút của đồng tiền, trước những diễn biến bất thường của thị trường nói chung và đất đai nói riêng. Đừng "thấy người ăn khoai mà vác mai đi đào".