Khoảng 40.000 nhân viên y tế và tình nguyện viên cả nước đến hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa nhận được tiền khen thưởng.
Các vị có trách nhiệm thử đặt mình là nhân viên y tế, từ các địa phương tình nguyện vào TPHCM chống dịch, nhưng đến nay không nhận được đồng tiền thưởng nào, thì có chán nản hay không?
Nhân viên y tế đi chống dịch, vì lương tâm nghề nghiệp, không ai lúc đó nghĩ tới tiền. Nhưng trách nhiệm của ngành y, của chính quyền các địa phương, phải tính toán trả công một phần cho họ. Đối với nhân viên y tế tình nguyện tham gia chống dịch thì không thể tính được bằng tiền, vì họ không chỉ bỏ công sức, mà còn cả tính mạng.
TP.HCM đã giao Sở Y tế có trách nhiệm tặng giấy khen 40.000 nhân viên y tế trên cả nước hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhưng xin hỏi giấy khen để làm gì nếu như không có tiền, nói thẳng cho thật.
Tại Hội nghị sơ kết kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra sáng nay, 29.6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin: "Hiện chúng tôi đã làm xong nhưng kinh phí thì không có. Gọi cho Ban Thi đua - Khen thưởng thì nói là không có kinh phí. Gọi Sở Tài chính thì nói chỉ cấp cho Ban Thi đua - Khen thưởng. Gọi lại thì Ban Thi đua - Khen thưởng nói chỉ cấp giấy khen”.
Lắm ngành, nhiều ban, đôi lúc cũng không giải quyết được chuyện đơn giản và chính đáng: đó là chi thưởng cho những người đã cống hiến hết mình vì sức khỏe của người dân.
Đến nay, 19 tỉ đồng đó ở đâu, hay nhân viên y tế cứ lên tivi mà nhận thưởng, đố ai biết được.
Càng nghĩ càng đau, nhân viên y tế xông pha trên tuyến đầu chống dịch thì bị quên tiền thưởng, nhưng hằng ngày họ đọc những dòng tin bắt quan chức ngành y tế vì tham nhũng hàng chục tỉ đồng.
Công bằng ở đâu khi mà người làm việc thật thì bị tính toán từng đồng, còn những quan chức biến chất thì dùng chữ ký để đổi "hoa hồng". Một khi còn tồn tại sự bất công, thì không thể giữ được các giá trị khác, người tài lánh xa, kẻ cơ hội thao túng. Phải chăng đó chính là lý do mà nhiều nhân viên y tế nghỉ việc sau dịch.
Khi TP.HCM lâm nguy trước đại dịch, y bác sĩ, điều dưỡng của nhiều địa phương khác đến cứu ứng, đừng quên công ơn của họ, làm như vậy là "vong ân bội nghĩa".
Và nếu để tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, thì khi có những nguy cấp khác, sẽ không mấy ai dám xông pha lên tuyến đầu.
Hãy khen thưởng xứng đáng và trao tặng với tất cả lòng biết ơn đối với nhân viên y tế hỗ trợ chống dịch. Không phải riêng TPHCM mà cả nước đều phải làm tốt việc này.