Đây là nhóm ý kiến được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu ra tại Quốc hội sáng 10.11 khi thẩm định nội dung này.
Thảo luận về vấn đề này, Đại biểu Lê Trường Lưu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị giao cho Chính phủ căn cứ vào kinh nghiệm các nước, căn cứ vào sức khỏe của người Việt Nam, tiêu chuẩn của ngành y tế để khống chế một tỉ lệ phù hợp, không nên tuyệt đối hóa tỉ lệ nồng độ cồn này. Đề nghị bổ sung thêm quy định vượt tiêu chuẩn quy định vào Khoản 1, Điều 8 thành “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt tiêu chuẩn quy định”.
Có nghĩa là có quy định về nồng độ cồn, nhưng có giới hạn tiêu chuẩn, vượt quá mới vi phạm.
Đây không phải là lần đầu có ý kiến cho rằng tuyệt đối không nồng độ cồn đối với người lái xe là quá "căng"; cần có hạn chế nồng độ tối thiểu, vì có nhiều người không uống rượu bia nhiều.
Cũng quan điểm này, có nhiều người cho rằng, nồng độ cồn thấp thì không thể gây ra tai nạn.
Nhưng thực tế mấy năm qua khi áp dụng quy định đã uống rượu bia là không lái xe, cho thấy tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực, đã kéo giảm cả về số vụ, tỉ lệ tử vong cũng như thương tật.
Khi áp dụng quy định đã uống rượu bia là không lái xe một cách quyết liệt, người dân có ý thức chấp hành, đó là sự thay đổi quan trọng. Đó là thay đổi nhận thức.
Trong mấy tháng qua, các lực lượng cảnh sát giao thông từ cấp Bộ đến các địa phương triển khai tuần tra, kiểm soát giao thông, phát hiện và xử lý thẳng tay các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, từ cán bộ đến sĩ quan quân đội, nhà báo, đã tăng thêm "uy lực" cho quy định này.
Nhận thức thay đổi, người dân đang đi vào "nề nếp" giao thông văn minh, không nên có sự thay đổi theo hướng nới lỏng.
Nếu có thay đổi, thì theo cách siết thêm và siết thật chặt. Không chỉ là không nồng độ cồn, mà xử lý thật nghiêm các trường hợp chống đối. Gần đây, liên tục xảy ra các vụ người vi phạm giao thông lao thẳng xe máy, xe tải vào lực lượng tuần tra. Đối với những trường hợp này, chẳng khác gì cố ý giết người, cần phải nghiêm trị.
Tai nạn giao thông là thảm họa, cần ngăn chặn bằng mọi cách, và quy định không nồng độ cồn là cần thiết. Vì sinh mạng con người, tuyệt đối không du di.