41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế (TYT) xã. Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội và gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
70% số bệnh không cần phải lên bệnh viện hạng đặc biệt
Thừa nhận thực tế này đã xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt, TS-BS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Trên thực tế, có đến 70% số bệnh không cần thiết phải lên tuyến bệnh viện hạng đặc biệt như BV Bạch Mai, dẫn đến sự lãng phí to lớn của xã hội, dẫn đến quá tải khủng khiếp cho tuyến trên. “Đơn cử như có những bệnh cần được điều trị ở tuyến dưới như điện giật, đuối nước mà mang lên tuyến Trung ương cấp cứu thì quá muộn, phải cấp cứu tuyến dưới” - TS Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Bên cạnh đó, phần lớn các TYT chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít: TYT xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến...
Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, GS-TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: “Đây là tình trạng chung mà các bệnh viện tuyến Trung ương đều gặp phải. Bệnh viện của tôi cũng không ngoại lệ. Người dân, nói đi khám chữa bệnh là thích lên tuyến Trung ương, vì họ tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh, trình độ y bác sĩ, thiết bị hiện đại... Giải pháp của Bộ Y tế rất tốt là sau khi có phác đồ điều trị, bác sĩ tuyến Trung ương có trách nhiệm giải thích kỹ cho người bệnh, loại trừ nguy cơ, không nguy hiểm gì đến tính mạng thì những bệnh như tiểu đường, cao huyết áp có thể phát thuốc ở trạm y tế xã, y tế huyện quản lý kiểm tra định kỳ”.
Giải pháp nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế rất quyết liệt trong vấn đề nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. “Để triển khai đổi mới hoạt động của TYT xã, chúng tôi đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã lựa chọn các TYT có nhà cửa tương đối nhưng việc bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết các trạm này phải được cải tạo, nâng cấp cho khang trang sạch sẽ, bổ sung trang thiết bị cho đồng bộ” - Bộ trưởng Tiến nói.
Thêm một rào cản nữa ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân vượt tuyến là danh mục thuốc BHYT ở TYT rất ít, thiếu nhiều loại thuốc. Hơn nữa, một số TYT không có bác sĩ nên hạn chế việc chỉ định sử dụng các loại thuốc...
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, 26 TYT điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên TYT, đến bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình.
Với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm...
Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại các TYT xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...