Sự cố y khoa đáng tiếc
Ngày 9.7, một bệnh nhân nữ, sinh năm 1938, địa chỉ tại Quảng Yên, Quảng Ninh, bị ngã ở nhà vệ sinh. Sau khi ngã, bệnh nhân mất vận động háng và đùi phải. Gia đình đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại BV Việt Nam - Thụy Điển. Khi tới BV, bệnh nhân được khám, xét nghiệm, chụp chiếu và được chẩn đoán là "Gẫy kín liên mấu chuyển xương đùi phải phức tạp".
Ngày 12.7, bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ 40 phút. Sau phẫu thuật, khi tình trạng huyết động ổn định, bệnh nhân được chuyển về phòng chăm sóc hậu phẫu.
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật được hơn 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân có diễn biến xấu (tụt huyết áp). Mặc dù đã được thăm khám, xét nghiệm, điều trị tích cực... nhưng tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Bệnh nhân đã tử vong lúc rạng sáng 13.7.
Về nguyên nhân tử vong, Hội đồng chuyên môn của BV Việt Nam - Thụy Điển kết luận là có thể do nhồi máu phổi hoặc nhồi máu cơ tim. Kết quả khám nghiệm tử thi ghi nhận có nhồi máu phổi, động mạch phổi có cục máu đông.
Như vậy, sự cố y khoa xảy ra đối với trường hợp này là một điều đáng tiếc. Nhồi máu phổi là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong, đối với bất cứ bệnh nhân nào sau phẫu thuật xương, đặc biệt là các xương dài, các ổ khớp lớn và khung chậu (vùng tiểu khung). Quay lại nội dung tố cáo của người thân bệnh nhân mà rất nhiều báo đã đăng tải: "Sau vụ việc, rất đông người nhà đã kéo đến BV tố các bác sĩ tắc trách, vì cho rằng khi thấy sức khoẻ của bệnh nhân yếu đi đã phản ánh với kíp trực, nhưng các bác sĩ cùng các điều dưỡng viên không để tâm đến ý kiến của người nhà".
Thầy thuốc đừng nên kiệm lời
Theo mình, mọi người không nên có ý nghĩ tiêu cực về nhân viên y tế vội, tại bất cứ phòng hậu phẫu nào, nhất là khi bệnh nhân mới được phẫu thuật chỉ vài giờ, mình chắc chắn rằng không phải để đến lúc người nhà lên tiếng thì nhân viên y tế mới biết bệnh tình của bệnh nhân có diễn biến bất thường.
Người nhà thì luôn có những đòi hỏi phải được nghe bác sĩ giải thích về bệnh tình của người thân tới từng phút một. Ngược lại, trong khi theo dõi, chăm sóc và điều trị cho người bệnh, nếu phát hiện các bất thường, ngoài việc xử trí và ghi chép đầy đủ thì nhân viên y tế lại rất kiệm lời với thân nhân người bệnh.
Chỉ khi nào biến cố hoặc diễn biến cực xấu xảy đến với người bệnh thì thân nhân người bệnh mới được mời vào để bác sĩ giải thích. Đây thực sự là những nhược điểm rất lớn của nhân viên y tế trong hoàn cảnh nền kinh tế và văn hóa của Việt Nam, ở nước ngoài thì không phải vậy.
Do vậy, thiết nghĩ, qua vụ việc này, nhân viên y tế trên cả nước cần lấy đó làm bài học để có cách ứng xử tốt hơn trước người bệnh, trước thân nhân người bệnh.
Mặt khác, trước thái độ của thân nhân người bệnh trong vụ này cũng như nhiều vụ việc khác, các cơ quan chức năng cần có biệt pháp mạnh và triệt để nhằm bảo vệ nhân viên y tế khi các sự cố y khoa hoặc vụ việc tương tự xảy ra và chưa được làm sáng tỏ.
Mặt khác, phần lớn các tuyến đều có những khoa hồi sức cấp cứu khang trang và cách ly với người tới thăm nom. Điều này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác chuyên môn của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều BV, kể cả BV Việt Nam - Thuỵ Điển, khoa Hồi sức cấp cứu không được cách ly tốt, người nhà ra vào hết sức tự do đã làm ảnh hưởng rất lớn tới công tác chuyên môn, nhất là khi tình trạng bệnh của bệnh nhân có những diễn tiến xấu.
Trước thực trạng này, nhiều khi người nhà lại là người làm chủ công việc chuyên môn của nhân viên y tế, gây áp lực kinh khủng lên nhân viên y tế khiến họ không thể quyết đoán. Thậm chí, nhân viên y tế vừa cấp cứu bệnh nhân vừa nghe người nhà vây xung quanh gây áp lực và chửi bới.
Hệ luỵ cuối cùng thì chính bệnh nhân lĩnh đủ chứ không phải ai khác vì dưới sức ép của người nhà, nhân viên y tế chỉ biết làm tròn vai, làm để hy vọng người nhà vừa ý chứ hiệu quả thực sự không cao, nhân viên y tế sẽ không cố gắng, thậm chí có nhiều trường hợp nhân viên y tế tìm cách lánh mặt để đảm bảo an toàn cho mình.