Bác sĩ Chum Chetra (31 tuổi, người Campuchia) chủ động đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau bụng dai dẳng 2 tháng trời. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua xét nghiệm, khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cùng một loạt biến chứng viêm cơ tim, áp xe ở đáy tim do nhiễm phải loại vi khuẩn tụ cầu có tên Staphylococcus.
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vi khuẩn Staphylococcus vốn xuất hiện trong những vết mưng mủ do trầy xước trên cơ thể người. Nhưng trên cơ địa vốn đã suy yếu sức đề kháng, tụ cầu khuẩn này bắt đầu xâm nhập vào máu và từ đó tấn công vào cơ tim, van tim tạo thành mủ.
Kết quả siêu âm tim của bệnh nhân cho thấy bác sĩ Chum Chetra bị nhiều biến chứng: hở van động mạch chủ; áp xe gốc động mạch chủ (đáy tim) và thành trước động mạch chủ. Với tình trạng này, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào vì bị sốc nhiễm trùng.
Để cứu sống cho đồng nghiệp mắc bệnh phức tạp này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải hội chẩn phối hợp 3 chuyên khoa: Hồi sức phẫu thuật tim, Nội cơ xương khớp, Bệnh nhiệt đới để đưa ra “chiến lược” điều trị.
BS Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật tim để lấy hết khối áp-xe ra ngoài. Ca phẫu thuật này phải nhờ đến hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới, các bác sĩ đã quyết định được việc dùng thuốc kháng sinh thích hợp để tiêu diệt hoàn toàn tụ cầu khuẩn đồng thời dùng kháng sinh cực mạnh để điều trị lupus ban đỏ hệ thống.
BS Nguyễn Thái An cho biết: “Nếu chỉ tính riêng từng căn bệnh thì cũng đã rất khó khăn để điều trị. Chẳng hạn, người bệnh đã suy giảm miễn dịch và còn viêm cơ tim nữa thì hồi sức cũng đã rất khó. Ngoài ra, trong một cơ thể gần như tàn tạ vì lupus ban đỏ đã làm suy yếu sức đề kháng, việc sử dụng kháng sinh mạnh là phải hết sức cân nhắc. Đồng thời các bác sĩ cũng phát hiện ra loại tụ cầu khuẩn Staphylococcus tấn công quả tim của bệnh nhân là loại vi khuẩn kháng thuốc”.
20 ngày sau khi diễn ra ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân, các bác sĩ thở phào khi sức khỏe bệnh nhân đã khá lên rất nhiều. Bệnh nhân đã không còn tình trạng kháng thuốc, tim hoạt động và tống máu bình thường, bệnh lupus ban đỏ được đẩy lùi.
BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thêm, trường hợp của bệnh nhân Chum Chetra đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa sâu của bệnh viện. Nếu bệnh nhân chỉ được 1 chuyên khoa điều trị chắc chắn sẽ không hiệu quả.
Bác sĩ Chum Chetra là một trong những trường hợp điển hình của bệnh nhân người Campuchia qua Việt Nam trị bệnh. Hằng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân người Campuchia đến khám và điều trị.