Trước đó, vào ngày 1.8, ông K được đưa vào Khoa cấp cứu - Bệnh viện quận Thủ Đức vì đau ngực trái dữ dội và đột ngột. Các bác sĩ nhanh chóng nhận ra bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, có biến chứng rối loạn nhịp chậm, nghẽn nhĩ thất hoàn toàn. Sau khi hội chẩn khoa Tim mạch can thiệp, Hồi sức tim mạch, bệnh nhân được chuyển đến phòng Can thiệp mạch vành để tiến hành tái thông mạch máu.
Tại thời điểm vừa chuẩn bị dụng cụ để can thiệp mạch vành, thiết bị theo dõi sinh hiệu liên tục của bệnh nhân K báo hiệu rung thất - một dạng rối loạn nhịp nguy hiểm có thể gây tử vong. 3 bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch được huy động tiến hành hồi sinh tim phổi và sốc điện chuyển nhịp cho bệnh nhân.
Sau khi bệnh nhân qua khỏi cơn rung thất thì nhịp tim lại quá chậm, không đủ đảm bảo cho chức năng sống. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản để đảm bảo chức năng hô hấp và đặt máy tạo nhịp tạm thời để có thể nhanh chóng can thiệp nhánh động mạch vành bị tắc.
Được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia Viện Tim TPHCM, sau gần 2 giờ phẫu thuật, mạch máu bị tắc của bệnh nhân đã thông trở lại. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tim mạch để tiếp tục điều trị.
Tưởng đã “tai qua nạn khỏi” nhưng sau đó, bệnh nhân K có biểu hiện bị biến chứng viêm phổi do hít phải dịch dạ dày trong quá trình hồi sức. Các bác sĩ lên kế hoạch điều trị bằng cách dùng thuốc mê để giảm thiểu đau đớn và gắng sức cho bệnh nhân. Sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhân khá ổn định nên các bác sĩ quyết định ngưng thuốc mê để bệnh nhân tỉnh táo và cai máy thở.
Lại thêm 1 lần “thót tim”, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân K không thực sự tỉnh táo nên tiến hành chụp cắt lớp sọ não (CT-scan). Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não và xuất huyết não đồng thời. Đứng trước tình huống thực sự khó khăn, các bác sĩ vừa phải cân nhắc sử dụng thuốc để giảm thiểu khả năng tắc lại mạch máu đã can thiệp, vừa không làm nặng thêm tình trạng xuất huyết đang xảy ra. Sau sự cố gắng của các bác sĩ và sức kiên cường của bệnh nhân, ông K đã dần hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ Trần Hùng - khoa Hồi sức tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ: “Ca bệnh quá khó, bệnh nhân K lại là đồng nghiệp nên áp lực phải cứu chữa cho bệnh nhân càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Sau khi tham khảo nhiều tài liệu trong và ngoài nước, ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực Nội thần kinh, lĩnh vực tim mạch, chúng tôi được tiếp thêm dũng khí để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Nhớ lại những ngày khó khăn vừa qua, cả ê-kíp chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy thực sự hạnh phúc”.
Như vậy, sau khi trải qua 3 lần nguy kịch, ông T.Đ.K (65 tuổi) là một bác sĩ về hưu đã được xuất viện.