Chỉ cần cho con “nhận năng lượng từ vũ trụ”?
Gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanpage anti-vaccine với các nội dung phản bác tác dụng của vaccine, thậm chí là nêu lên những tác hại, mặt trái của vaccine và ủng hộ các “mẹ bỉm sữa” không tiêm vaccine cho con. Khi phong trào bài trừ tiêm vaccine xuất hiện, có khá nhiều bố mẹ tích cực trong phong trào này, đưa ra nhiều bằng chứng từ các nguồn khác nhau. Đa phần là những bài báo, tài liệu trên các trang mạng từ nước ngoài. Dù chưa được kiểm chứng, song, những thông tin như tiêm vaccine bị biến chứng hay vẫn mắc bệnh, chứa chất độc, làm trẻ bị tự kỉ… khiến các không bố mẹ lo lắng.
Điển hình như nickname Diệu Liên đăng trên fanpage “Vacxin – nên hay không”: “Bé Cà nhà mình đến nay đã 2 tuổi và không tiêm bất kì vaccine nào và trộm vía rất khỏe mạnh. Anh Cà thì tiêm không thiếu mũi nào mà bệnh triền miên. Sau 2 tuổi mình ngưng tiêm, anh Cà thì khỏe mạnh đến giờ và cả hai bé không đụng đến bất kỳ một viên thuốc tây nào...Các mẹ nên tìm hiểu kỹ tác hại của vaccine và tự quyết sinh mạng của con mình”.
Cũng bình luận trên fanpage này, nickname Nguyễn Trần Quyết cho rằng “Vẫn có cách khác để thoát ra khỏi vaccine. Cách đó nằm trong tâm trí và sự hiểu biết của con người. Tóm lại là con mình không dùng sữa thú, không sữa công thức, không tiêm, không thịt động vật và chỉ ngồi thiền để nhận năng lượng từ vũ trụ”.
Không biết độ chính xác của nguồn tin, thông tin mình đã đọc từ đâu, nickname Thiên An Nguyễn cũng viết trên fanpage này rằng: “1 khảo sát chưa từng có trên hàng trăm trẻ em "homeschooled" (học ở nhà) tại Mỹ đã cho thấy: so với trẻ không tiêm vaccine thì trẻ tiêm vaccine có tỉ lệ mắc bệnh mãn tính cao hơn 2.4 lần; có tỉ lệ mắc eczema hơn 2.9 lần; có tỉ lệ mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh cao hơn 3.7 lần; có tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ cao hơn 4.2 lần...”.
Xung quanh những ý kiến phản đối, bài trừ vaccine, trên fanpage “Vacxin – nên hay không” cũng nhận được nhiều bài viết, ý kiến bình luận của nhiều cha mẹ, chuyên gia y tế bảo vệ vaccine, bày tỏ quan điểm không đồng tình với hội anti-vaccine. Tuy nhiên, những ý kiến này cũng bị hội anti-vaccine “ném đá” gay gắt. Thậm chí, có phụ huynh dịch hẳn một cuốn sách từ nước ngoài “tiêm chủng, đằng sau sự huyền bí” để đưa lên mạng nhằm tuyên truyền “giải phóng vaccine”.
Một bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản biến chứng thần kinh chưa được tiêm vaccine phòng bệnh này. Ảnh: K.Q |
Vì sao có trào lưu anti-vaccine?
BS CKII Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lên tiếng khi trào lưu anti-vaccine đang rầm rộ. BS Khanh cho rằng, trào lưu bài trừ vaccine không phải chuyện lạ, vốn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, vấn đề anti-vaccine nhanh chóng được nhà nước điều chỉnh. Thậm chí, có nước đặt ra luật, con không chích ngừa không được đi học. Ở Mỹ, trẻ muốn nhập học cần đưa sổ chích ngừa ra, nếu chưa chích mũi nào bắt buộc phải chích để tránh gây bệnh cho cộng đồng.
Gần đây, trào lưu này tiếp tục rộ lên và phát triển nhanh ở Việt Nam vì có thể lôi kéo những người đang lăn tăn về tai biến và tác dụng phụ của vaccine. Theo BS Khanh, nguyên nhân chính là do trong một số người nổi tiếng có con cái, người thân bị khiếm khuyết bẩm sinh nhưng nghĩ là do vaccine, “đổ thừa” cho vaccine. Bên cạnh đó, một số loại vaccine do nhóm lợi ích mà được tuyên truyền tiêm một cách quá đáng dù chưa cần thiết. Họ vin vào việc có nhóm lợi ích trong vaccine để bài trừ vaccine.
“Hiện tượng anti-vaccine chỉ tồn tại và nổi lên khi hết dịch bệnh. Nếu dịch đang trong thời kỳ rầm rộ thì các nhóm anti-vaccine không bao giờ hoạt động được” - BS Khanh dẫn chứng điển hình như bài học dịch bệnh sởi năm 2014 khiến hàng trăm trẻ tử vong. Những ai theo dõi ngành y tế chắc sẽ không thể nào quên được sự kiện này. Cả nước có hơn 35.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6.000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Dịch sởi bùng phát sau 3 năm không có dịch đã làm cho nhân viên y tế Việt Nam bất ngờ và gặp phải nhiều chỉ trích từ công chúng.
Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vaccine sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó. Nguyên nhân xuất phát từ vài ca trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine. Mặc dù các vụ tử vong này đều xác định không có liên quan đến chất lượng vaccine và chính phủ cũng đã công bố những thông tin này. Tuy nhiên, việc thuyết phục được các bà mẹ, lấy lại lòng tin của họ đối với chất lượng của chương trình tiêm chủng quốc gia là một thách thức không nhỏ. Sau dịch sởi năm 2014, vaccine sởi mới được tín nhiệm trở lại, phụ huynh lại bồng bế con đi tiêm. Những năm sau dịch sởi được khống chế rõ rệt.
Bố mẹ anti-vaccine, con tàn phế vì viêm não Nhật Bản
BS Khanh khẳng định tất cả các nước trên thế giới đều có chương trình tiêm chủng mở rộng, đưa những loại vaccine thiết yếu nhất vào lịch tiêm ngừa. Người dân được tiêm miễn phí. Tuy nhiên, miễn phí ở đây là do nhà nước bỏ tiền ra lo cho dân để phòng dịch thay vì viễn cảnh phải bỏ cả núi tiền ra để đối phó với dịch bệnh trong tương lai. Với mỗi loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhà nước đã tốn khoảng 1.000 tỷ đồng để duy trì cho người dân chích miễn phí”.
“Không thể phủ nhận một số loại vaccine gây ra những phản ứng phụ không mong muốn, tuy nhiên, những phản ứng này mang tính cá thể, cơ địa. Có nghĩa là tỷ lệ vô cùng nhỏ. Với những loại vaccine đã lưu hành nhiều năm qua thì càng được theo dõi rất kỹ từng cá thể phản ứng. Hội đồng y đức và các nhà khoa học cũng rất áp lực trong vấn đề này. Nhưng nhiều người lại vin vào số vô cùng nhỏ này để bài trừ vaccine, phủ nhận toàn bộ những tác dụng của vaccine mang lại trong nhiều năm” - BS Khanh bày tỏ.
Mặt khác, một số mẹ bỉm sữa nói rằng con họ không tiêm vaccine nhưng vẫn khỏe mạnh, BS Khanh khẳng định, đó là do may mắn. Bởi em bé đó được sống, được bao bọc trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm ngừa cao. Tuy nhiên, sự may mắn sẽ hết nếu em bé đó đi qua một vùng có độ phủ vaccine thấp, khả năng mắc bệnh rất cao. Vaccine mang tính cộng đồng, dân tộc là vì vậy. Ví như ở nước ta vận động người dân tiêm ngừa vaccine viêm gan B cho trẻ. Sự vận động phải kéo dài ít nhất 20 năm mới có thể đạt độ bao phủ tiêm ngừa trong cộng đồng, với mục đích đẩy lùi bệnh nguy hiểm này. Ở nước phát triển, việc tiêm ngừa vaccine viêm gan B được trú trọng từ lâu nên tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 5-6% dân số, trong khi đó ở Việt Nam là 15-16%.
“Tôi làm bác sĩ nhiễm gần 30 năm và vẫn thường nghe các câu hỏi khá “nhột” của bác sĩ nước ngoài như: “Việt Nam còn ho gà hả, còn bạch hầu hả?” “Viêm não ở mấy đứa nhỏ này do cái gì?”…Ở nước ngoài, đó là những bệnh đã thanh toán được từ lâu nhờ đưa vaccine phòng các bệnh này vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Câu trả lời cho những câu hỏi này để đánh giá sức khỏe của một dân tộc. Bởi vaccine mang tính cộng đồng, tiêm vaccine cho con hay không là quyền của mỗi ông bố, bà mẹ. Pháp luật không bắt buộc. Thế nhưng, bài xích vaccine có chủ đích, tạo ra một làn sóng bài trừ vaccine thì không chỉ có lỗi với con họ mà còn có tội với cả cộng đồng, với dân tộc. Hậu quả phải trả giá có khi là sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ”. BS Khanh thẳng thắn chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh, tại khoa Nhiễm - Thần kinh, hơn 80% trẻ mắc bệnh là do chưa chích ngừa, không chích ngừa hoặc phụ huynh không biết có vaccine ngừa bệnh. Đã có những em bé phải chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ cố tình không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho con.