PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) cho biết trước đây, trong mỗi đợt khám sàng lọc khoảng 100 bệnh nhân thì có 1-2 bệnh nhân ở độ tuổi 50 mắc bệnh tim mạch, trong đó có bệnh mạch vành. Tuy nhiên, hiện nay trong khoảng 100 bệnh nhân khám sàng lọc thì có khoảng 5-6 bệnh nhân phát hiện có bệnh này, nếu không có vôi hoá mạch vành thì cũng bị hẹp khít động mạch.
Mô hình bệnh tật của Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch nói chung, bệnh mạch vành nói riêng, và đặc biệt tình trạng bệnh mạch vành ngày càng trẻ hoá đang là cảnh báo cho cộng đồng.
Đặc biệt, nhiều người cho rằng chỉ người béo phì, thừa cân mới có nguy cơ bị mắc bệnh mạch vành, tuy nhiên trên thực tế ngay cả người gầy cũng bị bệnh mạch vành, con số này chiếm khoảng 30-40% trong số người bị mắc bệnh mạch vành.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết :“Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh động mạch vành là những cơn đau thắt ngực, khó thở. Một số trường hợp đi kèm với cơn tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Ở phụ nữ, ít gặp những cơn đau ngực nhưng người bệnh thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, ợ nóng, buồn nôn, đau lưng, đau hàm… Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh động mạch vành không có triệu chứng, hay còn gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Quá trình bệnh tiến triển âm thầm và không gây ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh không nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình để điều trị kịp thời, chỉ đến khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra thì đã quá muộn để phòng tránh”.
Một khi mắc bệnh mạch vành, nguy cơ biến chứng lớn nhất là cơn nhồi máu cơ tim cấp, có thể lấy đi tính mạng của người bệnh bất kỳ lúc nào. Nếu không kiểm soát tốt bệnh mạch vành, nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim là khó tránh khỏi. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây tốn kém về kinh tế trong quá trình điều trị bởi vậy người dân nên quan tâm đến sức khỏe của bản thân, chú ý đến những triệu chứng bất thường để đi thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
Nguyên nhân chính dẫn tới bệnh lý mạch vành là do sự tiến triển của các mảng xơ vữa trong lòng mạch vành. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố nguy cơ khác gây bệnh mạch vành bao gồm tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu: cholesterol và triglyceride tăng cao, hút thuốc, lười vận động, căng thẳng, trầm cảm và tức giận.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, thức quá khuya, cũng có thể dẫn tới bệnh động mạch vành.