“Việc loạn TPCN, loạn quảng cáo, đa cấp phát triển, loạn giá cả, hàng nhái, hàng giả “đội lốt” sản phẩm thật, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường…, là cái bẫy. Nếu chậm xử lý ngày nào, hại dân ngày đó”, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - nói.
Sản phẩm nhái, hàng trôi nổi… “đầu độc” người dân mỗi ngày
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, hiện nay, hàng loạt TPCN ra đời, với số lượng tăng vọt trong khi đó năng lực quản lý, nhận thức người tiêu dùng lại không tương xứng với nhau… dẫn đến việc mất kiểm soát.
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với hơn 10.000 sản phẩm đang lưu hành. Theo đó, có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Tốc độ phát triển “thần tốc” khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Đặc biệt, nhiều vụ phát hiện và thu giữ TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ gần đây cho thấy, có cả doanh nghiệp sản xuất TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, thậm chí dán tem nhãn mác sản phẩm hàng chính hãng…
Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, đơn vị này vừa thu giữ 3 tấn TPCN không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường. Cụ thể, ngày 21.8, Đội Quản lý ATTP số 7 đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH T.C Việt Nam đóng tại huyện Nhà Bè và phát hiện 234 thùng thực phẩm chức năng với hơn 8.000 hộp nhỏ dạng cốm được giới thiệu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Dù công ty này sản xuất TPCN nhưng lại không xuất trình được giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). “Những sản TPCN không có số đăng ký nên chúng tôi đang tiến hành các bước thủ tục hoàn tất hồ sơ xử phạt hành chính với mức xử phạt có thể từ 80 triệu đồng đến 90 triệu đồng theo Nghị định 15/2018 -NĐ/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm” - bà Lan nói.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm… vi phạm
Theo Nghị định 15, từ 1.7.2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt chuẩn GMP. Điều này có nghĩa TPCN phải được sản xuất với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như thuốc mới được lưu thông trên thị trường. Đánh giá của Cục ATTP Bộ Y tế, trong số hơn 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, TPCN chỉ có khoảng 300 (chưa đến 10%) là đủ điều kiện sản xuất. Đối với TPCN nhập khẩu, tình hình cũng không khả quan hơn vì kiểm tra nguồn gốc xuất xứ điều kiện sản xuất chỉ trên giấy tờ.
Ngoài ra, về quy định áp dụng tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế đã được gia hạn, lùi thời điểm áp dụng nhiều lần. Điều này khiến các sản phẩm bảo đảm chất lượng phải cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm kém chất lượng... Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm, đã đến lúc phải siết chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN cả nhập khẩu và sản xuất trong nước (cụ thể là phải đạt GMP), song song với kiểm soát về giá cả, quảng cáo, chỉ định... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn. Tuyệt đối không thể dễ dãi và thoả hiệp khi vấn đề liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Xử lý nghiêm các vi phạm TPCN
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP cho rằng: Phải nghiêm túc triển khai Nghị định 15, cũng như khẩn trương bổ sung những quy định pháp luật riêng để xử lý nghiêm các vi phạm liên quan thực phẩm chức năng… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, không tùy tiện sử dụng TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dễ dãi sử dụng bất cứ TPCN nào.
Lạm dụng TPCN gây hại sức khỏe
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM - cho rằng: TPCN không được coi là thuốc, nó chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất… chứ không phải là thuốc điều trị bệnh. Ngoài ra, TPCN cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng. Lạm dụng có thể làm rối loạn quá trình đồng hoá trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng…