Các chuyên gia khoa học vận động cho rằng đi xe đạp có thể rèn luyện toàn diện các cơ quan trong cơ thể, tăng cường chức năng tim phổi và tăng sức chịu đựng, thúc đẩy trao đổi chất và tuần hoàn máu, làm chậm quá trình lão hóa.
Nếu không có nhiều thời gian, chỉ cần dành thời gian sáng cuối tuần, đạp 1 vòng quanh Hồ Tây, bạn cũng sẽ được giải tỏa mọi căng thẳng của một tuần làm việc.
Mùa này, Hồ Tây rất đẹp. Vào sáng sớm, những ngôi nhà, những hàng cây lúc ẩn lúc hiện trong màn sương bảng lảng. Nhưng chỉ đến khoảng 7h sáng, mặt trời lên đỏ ối ở chân trời. Đứng ở góc nào của Hồ Tây cũng thấy được “quả cầu lửa” trên cao và trải bóng dài trên mặt nước.
Không ít người thích đạp xe quanh Hồ Tây vì còn tiện để thực hiện combo trên cung đường, gồm thể dục, ăn phở gà, mua đậu phụ và sữa đậu nành
Tuy nhiên, đạp xe cũng cần nắm được một số kiến thức cơ bản. Giống như bất kỳ môn thể thao nào, trước khi vào luyện tập cũng cần khởi động. Nếu đạp xe ngoài trời trong vòng 30 phút thì 10 phút đầu nên đạp tốc độ 20-25 km/h, 10 phút tiếp theo đạp nhanh hết mức, 10 phút còn lại có thể thả lòng, trở về tốc độ bình thường.
Các động tác khi đạp xe đạp tác động đến toàn bộ cơ thể. Vì vậy, tư thế ngồi đạp xe cũng rất quan trọng và phụ thuộc vào loại xe. Ví dụ xe địa hình hay xe đường phố thì trọng lực sẽ dồn vào một số bộ phận khác nhau trên cơ thể với mức độ khác nhau.
Nhiều người thường xuyên đạp xe cho biết, muốn đạp nhanh, không tốn nhiều sức thì nên dùng mũi bàn chân để tạo lực vào bàn đạp, không nên dùng cả bàn chân. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào thói quen của mỗi người.