Chị T.N.T có chồng và con gái nhưng chồng T đã bỏ đi vì nghĩ vợ bị tâm thần. Hàng ngày, T được mẹ đẻ bên cạnh chăm sóc. Hai mẹ con đi khắp nơi từ Nam ra Bắc chữa bệnh, uống tới 7 loại thuốc động kinh... Điểm dừng cuối cùng gần đây nhất của hai mẹ con T là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
BS Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia sẻ hoàn cảnh của bệnh nhân T.N.T.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được hội chẩn với Hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp) với kết luận: Động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán.
Cũng theo BS Văn: Hành trình tìm lại nụ cười, trao niềm tin và hy vọng cho chị T là cả 1 hành trình dài không ngừng hết hy vọng của mẹ đẻ chị T và sự nỗ lực của cô gái trẻ. Để được phẫu thuật bệnh nhân phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 điều kiện, đó là: Lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; Hình ảnh cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương (chỉ định được chụp ở những trung tâm phẫu thuật thần kinh lớn; Bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt tổn thương cho bệnh nhân T. Sau phẫu thuật, bệnh nhân T không còn cơn giật, không còn biến chứng, không còn trầm cảm và tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Với thể động kinh tổn thương vùng sinh động kinh như xơ hóa hải mã, loạn sản vỏ, u não bậc thấp... phẫu thuật tỉ lệ khỏi 75-85%.
Với các thể động kinh khác như động kinh mất trường lực, tỉ lệ phẫu thuật thành công 50-60 % (giảm cơn động kinh).