Hà Nội chi hàng chục tỉ đồng, sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh

THÙY LINH - CAO NGUYÊN |

Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã chi 20 tỉ đồng và dự kiến sẽ chi tiếp 70 tỉ mua thiết bị và hóa chất phòng sốt xuất huyết. Dù đã chi nhiều nhưng thực tế lại cho thấy, dịch sốt xuất huyết vẫn không giảm, thậm chí tăng mạnh. Vì sao? Trách nhiệm của hệ thống y tế dự phòng tại Hà Nội ở đâu?

Phun thuốc… lấy lệ

Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số phường thuộc quận Hoàng Mai như Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Giáp Bát… về công tác tuyên truyền, phun thuốc cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, điểm dịch thuộc phường Thịnh Liệt vẫn có tổ chưa được phun thuốc. Nhiều tổ theo phản ánh của người dân, các cán bộ đi phun qua loa, chớp nhoáng, thuốc không đảm bảo nên vẫn rất nhiều muỗi. Một số người dân đã phải chủ động mua bình xịt về phun trong nhà để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ về việc này, một người dân trong ngõ 1197 đường Giải Phóng (phường Thịnh Liệt) cho hay từ đầu mùa dịch đến nay, việc phun thuốc chỉ diễn ra duy nhất 1 lần. Tuy nhiên, không biết nguyên nhân do thuốc hay do môi trường mà muỗi vẫn nhiều. “Họ mang bình đến phun ở các ngõ ngách, đi vào trong nhà nhưng phun rất qua loa, làm cho có. Để tránh muỗi tôi phải tự mua bình về tự xịt mỗi khi ra khỏi nhà” - người này nói.

Bà Trịnh Thị Ánh (tổ trưởng tổ 17, phường Thịnh Liệt) chia sẻ, hiện nay tổ có khoảng 600 đầu người, người dân đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên về việc phun thuốc nhưng đến nay tại tổ 17 vẫn chưa được phun. “Tôi có đề xuất và làm đề xuất từ lâu, người dân họ cũng rất mong muốn được phun thuốc nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Theo bà Ánh, lý do chính quyền đưa ra là… chưa đủ thuốc.

Trong khi đó một bạn đọc của Lao Động ở Hoàng Mai - nơi có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết rất cao - cho biết: “Tại khu vực nhà tôi, đội đi xịt thuốc phải đưa thêm tiền họ mới xịt trên tầng 3. Năm nay thuốc xịt cũng kém hiệu quả. Vừa xịt xong lúc sáng đến chiều vẫn thấy muỗi trong nhà. Mình sợ dịch sốt xuất huyết nên lại phải chủ động mua thêm bình xịt muỗi xịt lại”.

Bạn đọc Hoàng Quân nói: “Phường tôi ở thuộc quận Hoàng Mai - là trung tâm của dịch sốt xuất huyết, vậy mà chẳng thấy phun thuốc gì cả, chỉ có vị tổ dân phố và cán bộ y tế phường đi hỏi xem nhà nào có nước tù, nước đọng, thì nhắc nhở và họ mang cá đi thả vào bể cá cảnh vậy thôi. Còn nếu có phun thuốc thì họ cũng không phun những nơi như vỉa hè khe nhà nơi giáp danh các nhà, mặc dù ở đó có rất nhiều cây cối rậm rạp. Họ bảo rằng muỗi ở đó không gây sốt xuất huyết, chỉ có muỗi ở những nơi nước đọng, mới sinh ra sốt xuất huyết thôi...”.

Tốn tiền mà dịch vẫn… tăng

Tính đến hôm qua, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng số 1 về các ca mắc sốt xuất huyết (gần 19.000 ca) trong khi cũng là địa phương chi tiền mạnh nhất.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội - tính đến thời điểm này, Hà Nội đã chi 20 tỉ để mua hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Sở Tài chính đang đề xuất với UBND thành phố xin thêm khoảng 70 tỉ để tiếp tục mua máy, hóa chất phòng chống dịch. Ngoài ra, các quận, huyện cũng đã lấy nguồn kinh phí dự phòng để phòng chống dịch, ví dụ như quận Đống Đa đã chi 1 tỉ, ký lệnh chi 8 tỉ nữa; Hoàng Mai đã chi hơn 4 tỉ đồng…

Ở một số quận “báo động đỏ”, nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ về tác dụng của việc phun thuốc diệt muỗi. Chị Nguyễn Thị H (phường Trung Liệt, Đống Đa) cho biết: “Từ đầu mùa dịch, họ đến nhà tôi phun đến 4-5 lần rồi nhưng không thấy hiệu quả. Mới đây nhất là phun cách đây 5-6 ngày gì đó nhưng hàng xóm sát nhà tôi vẫn có người bị sốt xuất huyết. Phun thì cứ phun thôi chứ ai bị mắc thì vẫn bị”.

Theo tìm hiểu của Lao Động, ngoài lý do khách quan gây khó khăn trong chống dịch như có nhiều công trình xây dựng có nhiều lán trại để công nhân ở, sinh hoạt, địa bàn phức tạp, người dân chưa hợp tác thì một phần là cách chống dịch cũng có vấn đề.

Ở một số huyện như huyện Thanh Trì, mức kinh phí phun thuốc được tính theo ca, cụ thể là 200.000 đồng/ca/ổ dịch chính vì vậy đã phát sinh tâm lý là làm nhanh về nhanh. Theo phản ánh của nhiều người dân, có nơi quá trình phun thuốc diễn ra rất nhanh, thậm chí chưa xong, cán bộ đã… rút lui.

Còn đối với công tác tuyên truyền, dù có nhiều cố gắng như lực lượng cộng tác viên chưa làm hết trách nhiệm do thù lao còn thấp. Ví dụ ở Hoàng Mai, Đống Đa và một số quận khác, chi phí cho cộng tác viên chỉ là 10.000 đồng - 20.000 đồng/ngày. Với chừng ấy tiền ít ỏi, các cộng tác viên cũng chỉ “ngó nghiêng” rồi về, việc diệt bọ gậy không thể triệt để được.

Giải pháp nào?

Theo các chuyên gia y tế, đỉnh dịch rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, nghĩa là sốt xuất huyết còn tăng mạnh nữa trong thời gian tới nếu không có phương án phòng tránh hữu hiệu.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong tuần ghi nhận 3.524 trường hợp mắc. Một số đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm… Tích lũy từ ngày 1.1 đến nay toàn thành phố ghi nhận 18.862 trường hợp mắc với 7 trường hợp tử vong. ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội - cho biết, dịch vẫn tập trung ở các quận nội thành song rất mừng trong tuần qua chưa ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới): 1.468 trên tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 2.112 ổ (chiếm 69,5%). Tuy nhiên, theo như ghi nhận của PV Lao Động, con số mà Sở Y tế Hà Nội phản ánh chưa hẳn đã xác thực với tình hình thực tế. Nhiều gia đình có người bị sốt xuất huyết đã “ngại” đến viện mà lựa chọn sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại nhà để kiểm tra. Nhiều người khác mang con em lánh về quê để tránh dịch nhưng về đến quê, con họ vẫn bị sốt xuất huyết.

Tại cuộc họp ngày 22.8 vừa qua, khi được hỏi vì sao Hà Nội chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết “việc công bố dịch thì UBND thành phố ra công bố là xong. Tuy nhiên Hà Nội là thủ đô của cả nước, còn các hoạt động chính trị ngoại giao, do đó mọi hoạt động cần đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội”.

Việc Hà Nội đã chi tới 20 tỉ để phòng, chống sốt xuất huyết chứng tỏ nỗ lực của các ngành, thế nhưng nếu như không có cách làm mới, không có sự giám sát chặt chẽ, hệ thống Y tế dự phòng Hà Nội không cố gắng thì 20 tỉ hay 70 tỉ cũng chỉ như “muối bỏ biển” và sốt xuất huyết vẫn hoành hành đe dọa tính mạng người dân.

 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: Đội ngũ tình nguyện viên chưa quyết liệt. “Về chủ quan, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch: 10% số hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất. Ngoài ra, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp, huy động nhiều đội tình nguyện để vận động, tuyên truyền và phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, đội ngũ tình nguyện này triển khai chưa quyết liệt trong công tác diệt bọ gậy, loăng quăng nên hiệu quả dập các ổ dịch chưa cao, dẫn tới chưa khống chế được bệnh SXH. Hiện Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để quyết tâm dập tắt bệnh SXH. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh SXH, Hà Nội đã thành lập được 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy. Hà Nội hiện có hai máy phun cỡ lớn, tiến hành phun mù lạnh trên diện rộng và đang thử nghiệm phun mù nóng và sắp tới sẽ tiến hành phun mỗi ngày/xã (phường).
TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế): Không thực hiện đồng bộ, chi bao nhiêu cũng vô ích.  “Kinh phí chi cho diệt muỗi, bọ gậy khống chế bệnh SXH dù 20 tỉ hay hơn nữa nếu không làm đúng cũng vô nghĩa. Bệnh SXH giờ đã tràn lan mọi nơi, muỗi truyền bệnh cũng đã đông nghịt thì phun ở đâu giờ. Phun khắp thành phố thì không thể. Phun ở nhà người bệnh sốt cao ư? Nhưng một người sốt thì lại có nhiều người nhiễm virus nhưng không sốt thì biết họ sống ở đâu mà phun. Chưa nói muỗi cũng có khả năng kháng thuốc. Phun thuốc diệt muỗi nếu diệt được muỗi ngay hôm nay thì mai trứng lại nở ra muỗi thì chẳng nhẽ lại đưa máy phun vòi rồng đến phun tiếp. Phun diệt muỗi tốt nhất là phun hóa chất vào trong nhà nơi chúng ẩn nấp và sinh hoạt. Nhưng nhiều gia đình lại không muốn vì nhiều lý do”. “Nếu chúng ta không thực hiện đồng bộ, quyết liệt, cốt lõi việc diệt muỗi thì có bao nhiêu tiền chi ra cũng không khống chế được bệnh SXH”.                                        LỆ HÀ

 

THÙY LINH - CAO NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ huyện Quảng Xương

Trần Lâm |

THANH HÓA - Công an tỉnh đã bắt tạm giam 5 bị can “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ", trong đó có nguyên Chủ tịch huyện.

Giá vàng cao kỷ lục, chọn kênh đầu tư nào để tránh mạo hiểm?

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng tăng cao, người dân nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng. Dự kiến, chứng khoán là một thị trường đầu tư tiềm năng.

Nhiều người dân ở TPHCM mòn mỏi chờ cấp sổ hồng

Bảo Chương |

TPHCM - Khó có mấy ai hiểu được hết nỗi khổ của những người mua chung cư và mòn mỏi chờ có sổ hồng.

Hàng trăm người chui rào đập thủy điện, đổ xô bắt cá khủng

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Hàng trăm người dân đổ xô xuống đập tràn của hồ Thủy điện Trị An để bắt cá khủng, kiếm tiền triệu.

Lúc lên hương, khi thảm hại vì "thả nổi" chiết khấu xăng dầu

Cường Ngô |

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu "đứng ngồi không yên" trước nguy cơ thua lỗ trở lại do bị doanh nghiệp đầu mối "bóp" chiết khấu xăng dầu.

Chưa rõ nguyên nhân hơn 40 người ở chung cư nghi ngộ độc

QUANG ĐẠI |

Nghệ An – Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh nguyên nhân vụ hơn 40 người ở chung cư Golden City 3 (Nghi Phú, TP Vinh) có biểu hiện ngộ độc.

Thanh niên tử vong khi livestream cảnh báo sạt lở QL2

Lam Thanh |

Hà Giang - Vụ sạt lở trên QL2 đoạn qua xã Việt Vinh (huyện Bắc Quang) đã vùi lấp nhiều người và phương tiện.

Lực lượng chức năng căng mình phân luồng cầu phao Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Ngày 30.9, khi cầu phao Phong Châu thông xe, lưu lượng phương tiện đổ về rất đông, các lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết giao thông.