Ngày 15.3, Bệnh viện Trưng Vương cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân bị biến chứng vì tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không phép. Cách đây 2 tuần, bệnh viện có tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân 29 tuổi (nhà ở TPHCM) nhập viện trong tình trạng da mặt nhiễm trùng, sưng tấy 2 bên gò má. Bệnh nhân cho biết, từ tháng 11.2016 đã đi tiêm chất làm đầy 2 gò má tại một cơ sở kinh doanh spa ở TPHCM. Đến đầu tháng 3.2017 thì bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, má ửng đỏ và xì mủ.
Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh – Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Dù không xác định được loại chất làm đầy bệnh nhân đã sử dụng để tiêm vào 2 má nhưng chúng tôi nghi ngờ cơ sở đó đã bơm silicon lỏng. Dù được phẫu thuật hút silicon ra, nhưng chất silicon này khi tiêm vào cơ thể không nằm yên mà di chuyển khắp vùng mặt, nên thời gian tới có thể bệnh nhân phải làm thêm các cuộc phẫu thuật tiếp”.
Vùng mặt bệnh nhân bị biến chứng nặng sau khi tiêm chất làm đầy (ảnh BV) |
Tương tự bệnh nhân này, một phụ nữ 41 tuổi cũng đến Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng đau nhức vùng mặt, sống mũi, chân mày có dấu hiệu hoại tử. Bệnh nhân cũng cho biết đã tiến hành tiêm một loại chất làm đầy mũi.
Bác sĩ Võ Kế Đạt - khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương, người theo dõi điều trị cho bệnh nhân cho biết, 3 ngày đầu nhập viện, tình trạng hoại tử trên khu vực da mặt của bệnh nhân tăng. Bác sĩ đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Sau 4 ngày dùng thuốc tình trạng hoại tử da được kìm hãm lại và sau 2 tuần thì chấm dứt, bệnh nhân được xuất viện.
Theo bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, nhiều phụ nữ làm đẹp một cách thiếu hiểu biết, chỉ quan tâm giá cả và dịch vụ mà không biết nguồn gốc, chất lượng loại chất đưa vào cơ thể. BS Khanh khuyên chị em quyết định làm đẹp phải lựa chọn cơ sở cấp phép hoạt động, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề thẩm mĩ. Khi làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy, phải biết đó chất gì, nguồn gốc sản xuất để tránh tình trạng biến chứng.