PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết tại Hội thảo Quốc tế gây tê vùng (RA Asia 2019) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam: Gây tê vùng có nhiều lợi ích, giúp quá trình phục hồi nhanh và giảm đau ở người bệnh. Nhờ có gây tê vùng, giảm tỉ lệ tử vong, biến chứng sau phẫu thuật. Các nghiên cứu gần đây tại các nước phát triển cho thấy khoảng 10-50% bệnh nhân sau phẫu thuật có đau dai dẳng. Bệnh nhân phẫu thuật ở Việt Nam và trên thế giới đều đối mặt với các nguy cơ nói trên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, gây tê vùng - trong đó có đau sau mổ còn là lĩnh vực tương đối mới.
Cũng theo PGS.TS Công Quyết Thắng, gây tê vùng là một trong những kĩ thuật được áp dụng nhiều nhất. Tại Việt Nam, gây tê vùng đã được sử dụng từ lâu nhưng với công nghệ chưa hiện đại. Việc đem công nghệ mới vào ứng dụng công nghệ chúng ta đang áp dụng, cụ thể là gây tê dưới hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp thực hiện tuy khó nhưng mang lại sự thoải mái, an toàn cho người bệnh.
Hiện đã có một số bệnh viện ở TPHCM, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec áp dụng gây tê vùng trong phẫu thuật. Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec đã triển khai kỹ thuật giảm đau gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau toàn diện, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim.
Các cơ sở y tế áp dụng phương pháp giảm đau sau mổ không sử dụng Opioid (nhóm thuốc giảm đau), nâng cao hơn nữa chất lượng phẫu thuật. Người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm sau mổ, giảm thiểu nguy cơ chuyển thành đau mãn tính, nâng cao chất lượng cuộc sống sau chấn thương và phẫu thuật.