Thông dụng nhất là nước súc họng chứa muối NaCl, có tác dụng sát khuẩn, bảo vệ tế bào niêm mạc họng, loại bỏ các vi khuẩn có hại, ngừa viêm nhiễm ở vùng hầu họng.
Nếu bị viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, nấm họng, nấm thanh quản, viêm quanh răng... các bác sĩ hay chỉ định dùng nước súc miệng Povidone-iod (Betadine) 1%.
Loại nước này bào chế dạng dung dịch, hoặc bột dùng cho người bị viêm nhiễm vùng họng, sau khi phẫu thuật vùng mũi họng (nhổ răng, cắt amiđan, lấy các khối u vùng mũi họng...).
Những ai không được dùng thuốc súc họng i-ốt?
Trước tiên khẳng định lại rằng, nước sát trùng chỉ được dùng khi có chỉ định, tức là chỉ được dùng theo đơn bác sĩ kê. Có nhiều người tự ý sử dụng nước súc họng theo thói quen, hoặc thấy người khác dùng tốt thì mua về súc, mà không có đơn bác sĩ.
Theo PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, điều này rất nguy hại cho sức khỏe, bởi dùng nước súc họng chứa i ốt có thể gặp các tác dụng phụ như: Kích ứng tại chỗ (gây bỏng niêm mạc, phản ứng tại họng, khoang miệng, loét, tăng tiết nước bọt, nuốt vướng, khó thở…).
Ngoài ra, còn bị phản ứng phản vệ (hiếm nhưng đã có trong y văn), i ốt dư thừa (tạo bướu cổ, suy giáp, cường giáp) ở những bệnh nhân dùng nước súc họng chứa i ốt trên 14 ngày, hoặc nhiễm toan chuyển hóa (gây hôn mê, suy thận cấp).
Đồng thời, bác sĩ khuyên những người sau không nên dùng nước súc họng có i ốt gồm trẻ dưới 6 tuổi; người mẫn cảm với i ốt, hoặc bất kỳ tá dược nào trong thành phần bào chế của dung dịch súc họng.
Người có tiền sử bệnh tuyến giáp, bướu cổ (đặc biệt là bướu cổ có nhân, viêm tuyến giáp Hashimoto...) vì có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Chưa hết, người bị suy thận, do i ốt có thể hấp thụ qua niêm mạc họng, tăng nồng độ i ốt trong máu, đặc biệt ở bệnh nhân có suy thận.
Phụ mang thai và cho con bú, do i ốt tự do đi qua nhau thai và được tiết ra trong sữa mẹ. Nếu buộc phải dùng phải có sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sản khoa, và cũng không dùng thường xuyên.