Lẩu còn gọi là cù lao, là một loại món ăn phổ biến xuất phát từ Mông Cổ, nhưng ngày nay được nhiều quốc gia ưa thích, trong đó có Việt Nam.
Ngày Tết, các gia đình thường hay tổ chức các buổi liên hoan, gặp gỡ. Món lẩu là một lựa chọn phổ biến vì có thể sử dụng đa dạng các loại thực phẩm.
Một nồi lẩu bao gồm một bếp (ga, than hay điện) đang đỏ lửa và nồi nước dùng đang sôi. Các thức ăn sống hoặc chín được để xung quanh và người ăn gắp đồ ăn bỏ vào nồi nước dùng, đợi chín tới và ăn nóng.
Thông thường đồ ăn dùng làm món lẩu là: thịt, cá, lươn, rau, nấm, hải sản... Ở nhiều nơi, món lẩu thường được ăn vào mùa đông nhằm mục đích giữ thức ăn nóng sốt.
Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam về một món ăn phổ biến với người Việt.
Dưới đây là những khuyến cáo của bác sĩ Trương Hồng Sơn:
Trước hết là phải ăn chín uống sôi. Trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không tiêu diệt hết ký sinh trùng có thể khiến người ăn bị tiêu chảy.
Không nên ăn khi vừa mới gắp ra vì ăn nóng có thể gây bỏng niêm mạc miệng và họng gây nhiễm trùng
Không ăn quá mặn vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao. Vì thế, nước lẩu cũng cần phải được thêm nước mới trong suốt quá trình ăn, tránh nước lẩu bị mặn.
Ăn lẩu đúng cách: Để đảm bảo sức khỏe nên ăn rau trước và sau cùng là thịt. Như thế dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn.
Nên ăn nhiều rau xanh: Rau xanh sẽ làm món lẩu thêm phong phú, còn giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn, lá rau có chứa các vitamin và chất khoáng giúp ngày tết khỏe mạnh hơn.
Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài không quá 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ, vì khi kéo dài thời gian ăn uống hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn gây quá tải từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.