Làm sao khi con bị đuối nước?
Mới đây, tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã tiếp nhận một em bé 17 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đã giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu và tử vong. Gia đình bé kể trong lúc cha mẹ không để ý thì bé nghịch nước, và ngã úp đầu vào lu chứa nước. Khi người nhà phát hiện, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Người thân của bé lập tức sơ cứu và chuyển ngay đến bệnh viện. Mặc dù các bác sĩ tích cực cấp cứu, cho bé thở máy nhưng do bé đã ngưng tim quá lâu nên không thể cứu được.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ bị ngạt thở chỉ có 4 phút. Trong thời gian này, gia đình phải tích cực nhồi tim, hà hơi thổi ngạt để tăng lượng oxy lên não. Sau 4 phút bé sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Sau 10 phút thì bé chết não. Cho dù cứu được bé thì rất nhiều khả năng bé phải sống thực vật.
Thời gian gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những em bé bị đuối nước và nguy kịch vì ngã vào các vật chứa nước như lu, xô, chậu… Đa phần, các bé trong độ tuổi đang tập bò và tập đi - lứa tuổi bắt đầu khám phá thế giới. Do đó, BS Phương khuyên cha mẹ cần phải luôn để mắt đến con và quản lý các vật chứa nước trong nhà một cách kỹ càng.
Tử vong vì… hóc rau câu
Bên cạnh tai nạn thường gặp ở trẻ là đuối nước thì các tai nạn hóc xương, hóc dị vật luôn là nỗi lo đối với phụ huynh. Cũng tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1, mới đây một bé trai 5 tuổi được đưa đến khi đã ngưng tim và tử vong vì hóc rau câu. Người nhà cho biết, bé trai tháo nắp đậy miếng rau câu (loại rau câu đóng trong vỏ nhựa) và hút mạnh vào miệng để ăn. Đang hút viên rau câu ra để ăn thì bất ngờ viên rau câu này rơi vào đường thở khiến trẻ bị hóc, tái tím người.
Theo BS Đinh Tấn Phương, trong trường hợp khi không kịp tống dị vật mà trẻ đã tái tím, trong lúc đợi nhân viên cấp cứu, người nhà nên thực hiện bước xử trí ban đầu. Với trẻ dưới 2 tuổi thì áp dụng kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực: Phụ huynh để trẻ lên đùi hoặc trên cánh tay, đầu để thấp, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay rồi dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 cái thật mạnh vào khoảng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay, nếu trẻ còn khó thở, tiếp tục ấn ngực 5 cái trên xương ức bằng 2 ngón tay.
Với bé trên 2 tuổi, phụ huynh cần vận dụng thủ thuật Heimlich ngay. Nếu trẻ còn tỉnh táo thì cha mẹ đứng sau lưng trẻ và vòng tay ôm lấy trẻ. Đặt 1 bàn tay làm thành nắm đấm ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức; bàn tay kia đặt chồng lên. Ấn mạnh và nhanh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 5 lần.
Nếu trẻ đã hôn mê thì cần dùng thủ thuật Heimlich nằm. Người cấp cứu quỳ chân đối diện trẻ, đặt 1 bàn tay lên vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức, đặt tiếp bàn tay thứ 2 lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ trước ra sau và từ trên xuống. Có thể lặp lại 5 lần.
Nếu trẻ đã ngưng thở phải thổi ngạt trước và thực hiện xen kẽ với thủ thuật Heimlich hoặc vỗ lưng ấn ngực cho đến khi bệnh nhân thở lại. Trường hợp sơ cứu không hiệu quả, phải gọi ngay cấp cứu 115. Trong thời gian đưa trẻ đến bệnh viện, phải tiếp tục ấn ấn ngực cho trẻ.
Minh Phạm