Tọa đàm trực tuyến: Việt Nam đối phó thế nào với dịch virus Corona?

Nhóm PV |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch virus Corona, đã gây tử vong 213 người và làm 9.075 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Việt Nam đã có biện pháp gì đối phó với dịch bệnh? Trước tình hình nguy cấp này, để cung cấp các thông tin phòng chống dịch bệnh hữu hiệu cho người dân, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Đối phó thế nào với dịch virus Corona?", ngày 31.1.2020.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm gồm:

- Ths Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

Chương trình được tường thuật  trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử tại địa chỉ www.laodong.vn và Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam http://congdoan.vn.

Tổng Thư ký Báo Lao Động Hoàng Lâm tặng hoa khách mời tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh
Tổng Thư ký Báo Lao Động Hoàng Lâm tặng hoa Ths Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - khách mời tham dự buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Tuấn Anh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch viêm phổi cấp do virus Corona, đã gây tử vong 213 người và làm 9.075 người nhiễm bệnh. Vì sao WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh này thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Khoa?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Tình hình dịch viêm phổi cấp do virus Corona tại Trung Quốc diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo số liệu cập nhật thì số ca mắc bệnh và số ca tử vong gia tăng hàng ngày. Chính điều này cho thấy mức độ lây lan của dịch bệnh rất nhanh, nâng mức cảnh báo lên mức cao. Hơn nữa, dịch do virus Corona đã vượt qua biên giới, xâm nhập vào nhiều quốc gia khác, vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Nếu số ca mắc virus corona tiếp tục gia tăng, ngành Y tế đã có những kịch bản để phòng chống như thế nào? Bộ Y tế có phải xây dựng bệnh viện dã chiến như Trung Quốc đã làm?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng kịch bản đối phó với dịch. Kịch bản đầu tiên là đối với các trường hợp người bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Kịch bản thứ 2 là từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam. Kịch bản thứ 3 là mức độ lây lan cộng đông dưới 1.000 ca. Kịch bản thứ 4 là trên 1.000 ca mắc bệnh.

Tất cả các kịch bản này đều đã có phương án. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá lưu lượng, lúc đó mới có thể thành lập bệnh viện dã chiến. Dưới 1.000 ca, chúng ta cũng chưa cần nhưng số lượng vài nghìn ca thì phải xây bệnh viện dã chiến. Về phía Bộ y tế, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và các bộ ban ngành có liên quan để kịp thời chỉ đạo các vấn đề liên quan.

Chúng ta đã có kế hoạch phòng chống dịch và sẽ luôn sẵn sàng chủ động trong mọi tình huống.

PGS.TS Nguyễn Trọng Khoa.
Ths Nguyễn Trọng Khoa.

Việt Nam đã ghi nhận 5 ca nhiễm virus Corona, và hàng trăm người đang phải cách ly do nghi nhiễm virus Corona. Ông có thể đưa ra những nhận định về dịch bệnh này ở VN cho đến thời điểm này là như thế nào?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Tại Việt Nam, ngay từ khi có thông tin về những ca bệnh đầu tiên, Chính phủ và Bộ Y tế đã ngay lập tức có những phương án để đối phó. Qua kinh nghiệm phòng dịch SARS 2002 và H1N1 năm 2009, và áp dụng biện pháp tương đối mạnh để kiểm soát ngăn ngừa dịch, tất cả trường hợp được xác định dương tính với virus Corona, hoặc đi từ vùng dịch đều được cách ly để xác định chẩn đoán.

Nhiều người lo ngại đến chỗ đông người, nhất là các cơ sở y tế nên khi có biểu hiện sốt, ho, cúm đã tự điều trị tại nhà. Theo ông người bệnh nên điều trị tại nhà hay nhập viện trong tình hình dịch virus Corona đang lây lan?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi không nghĩ rằng nên điều trị tại nhà vì với các bệnh thông thường, chúng ta đã nên đến các cơ sở y tế. Hiện Bộ Y tế đã có khuyến cáo rất cụ thể với người dân để phòng chống cụ thể như khi đến chỗ đông người nên mang khẩu trang. Hạn chế đến nơi đông người, điều này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong tình hình nhiều dịch bệnh đang bùng phát, làm thế nào để phân biệt giữa viêm phổi do virus Corona và cảm cúm thông thường, cảm lạnh?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Trong tình hình phía Bắc chuyển về mùa xuân với tiết trời lạnh, ẩm, sẽ có rất nhiều bệnh khác diễn ra như cúm mùa. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo sợ vì việc xác định những ca bệnh viêm phổi cấp do virus Corona phải có tiền sử đi từ vùng dịch về. Những ca nghi ngờ phải có triệu chứng sốt, viêm long đường hô hấp, và yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch tễ về . Những ca đó mới cần xác định chẩn đoán và tiếp nhận điều trị.

Trước tình trạng lây lan nhanh của virus Corona, làm thế nào để mỗi người có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh nguy hiểm này?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp đều được áp dụng đối với virus Corona. Ví dụ:

- Đến nơi đông người nên đeo khẩu trang.

- Thực hiện vệ sinh hô hấp. Khi chúng ta ho, hắt hơi, chúng ta phải che, tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc các dung dịch có chứa cồn để hạn chế mầm bệnh lây lan.

- Vệ sinh nơi ở, các bề mặt hay va chạm như tay nắm cửa bằng các dung dịch diệt khuẩn.

- Chế độ ăn đủ dinh dưỡng nhiều rau xanh, vitamin để tăng sức đề kháng, miễn dịch.

Đó là những điểm cơ bản mỗi người có thể áp dụng để phòng chống virus Corona.

 

Mặc dù dịch bệnh đang lây lan nhanh nhưng có một số người do công việc phải đi lại giữa các nước, trong đó có nước có ca nhiễm virus Corona, đặc biệt là về từ Trung Quốc. Vậy những trường hợp này phải cách ly trong bao lâu và họ phải làm gì để phòng, tránh bệnh lây lan và họ cần theo dõi sức khỏe như thế nào?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Đi từ vùng dịch về, cần thực hiện cách ly ít nhất là trong 14 ngày. Tránh tiếp xúc những người đi từ vùng dịch về để tránh lây lan mầm bênh. Qua 14 ngày chúng ta có thể yên tâm là sẽ không mắc bệnh.

Các gia đình có nên tự khử khuẩn môi trường trong nhà để phòng, tránh dịch viêm phổi do virus Corona không? Các biện pháp đeo khẩu trang, súc miệng, rửa tay thường xuyên có mang lại hiệu quả không?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Tất cả các biện pháp đó đều mang lại hiệu quả tốt trong phòng tránh dịch bệnh. Tất cả các không gian, khu vực công cộng nên để không khí tốt, khi có không khí tốt, mầm bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Việc sử dụng các bài thuốc dân gian, ăn nhiều hoa quả, vitamin C… có phòng, tránh được virus Corona không?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Đây là những biện pháp phòng bệnh chung. Những loại hoa quả cũng sẽ cung cấp vitamin C, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo dùng ở mức độ vừa phải và đủ cho cơ thể.

Nhiều người cho rằng xét nghiệm máu có thể phát hiện ra có nhiễm virus Corona, nên khi có sốt, ho thường liên hệ với dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Điều này có cần thiết không hay nhất thiết phải đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Để xét nghiệm, chẩn đoán chính xác viêm phổi cấp do virus Corona, phải lấy bệnh phẩm đường hô hấp dưới và đòi hỏi phải có kỹ thuật chứ không phải lấy máu để xét nghiệm. Bộ Y tế phân công 3 đơn vị chẩn đoán xác định virus Corona. Vì thế, người dân không nên hoang mang và xét nghiệm tại nhà vì hiện chưa có cơ sở có đủ kỹ thuật để xác định virus Corona này.

Việt Nam đã điều trị thành công 1 ca nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vậy phác đồ điều trị bệnh dịch này của Việt Nam có gì khác biệt so với các nước? Ông nhận định thế nào về thành công này?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay Việt Nam đã có 1 trường hợp được coi là khỏi bênh. Thông tin mới nhất, trường hợp 2 ca tại Bệnh viện Nhiệt đới đã hết sốt và hy vọng sẽ khỏi bệnh. Theo tôi, phác đồ điều trị tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn điều trị được virus Corona.

Tại các cơ sở y tế, số lượng người bệnh đến khám, điều trị do viên nhiễm đường hô hấp, viêm phổi  có gia tăng? Các biện pháp sàng lọc thể nào để sớm phát hiện người nhiễm virus Corona?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại thì số lượng người bệnh đến khám, điều trị do viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi không tăng hơn so với những năm trước. Người dân không nên quá hoang mang vì Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Những người có tiền sử đi từ vùng dịch đang được cách ly để tiếp nhận sàng lọc. Tuy nhiên người dân cũng không nên quá chủ quan, nếu phát hiện những triệu chứng ho sốt và có tiếp xúc với những người đi về từ vùng dịch thì nên đến những cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng xác định, xét nghiệm, tránh lây lan cho người khác.

Người mắc virus Corona có tỷ lệ tử vong khá cao. Vậy những triệu chứng và biến chứng gì có thể xảy ra khi dương tính với virus corona?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Tỷ lệ tử vong theo con số mới nhất với hơn 9.000 ca mắc và 213 người tử vong là khoảng 2%. Những người có cơ địa yếu, có những tiền sử các bệnh khác, người nhà hoặc trẻ em có thể có những biến chứng nặng hơn. Biến chứng có thể gặp là biến chứng đường hô hấp, vi khuẩn kháng thuốc, biến chứng suy thận, suy đa tạng khác trong quá trình tiến triển phát triển của virus này. Hiện nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục phân tích những phác đồ điều trị phù hợp hạn chế tử vong.

Các gia đình có nên tự khử khuẩn môi trường trong nhà để phòng, tránh dịch viêm phổi do virus Corona không? Các biện pháp đeo khẩu trang, súc miệng, rửa tay thường xuyên có mang lại hiệu quả không?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Đeo khẩu trang phải thực hiện đúng cách theo chỉ dẫn Bộ Y Tế. Khi ho hay hắt hơi phải có khăn che miệng. Đồng thời rửa tay thường xuyên vì bàn tay là nguồn lây nhiễm bệnh do tiếp xúc. Những đồ vật như sàn nhà, mặt nhà, tay nắm cửa, nơi bấm nút trong khách sạn, khu vui chơi công cộng là những nơi thường tiếp xúc. Vì thế phải lau rửa bằng nước có cồn sát khuẩn thường xuyên.

Hiện mùa lễ hội đang bắt đầu trên khắp cả nước. Tại các lễ hội tập trung lượng lớn người đi lại, Bộ Y tế có khuyến cáo gì với người dân khi tham gia lễ hội để phòng tránh dịch viêm phổi virus Corona? Nên chăng có quy định bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang? Bộ Y tế có thấy cần thiết tạm dừng không tổ chức các lễ hội hay không:

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Ban chỉ đạo Phòng dịch quốc gia sẽ có những quyết định và quyết sách phù hợp. Tuy nhiên người dân nên hạn chế đến những nơi tập trung đông người, tránh tiếp xúc gần. Nếu buộc phải đến thì phải đeo khẩu trang để phòng dịch.

Với nhiều năm kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh, ông nhận định thế nào về công tác phòng chống dịch virus Corona hiện nay? Chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa?

- Ths Nguyễn Trọng Khoa: Hiện nay, Bộ Y tế đang đi đúng hướng theo những phương pháp đã thành công trong dịch SARS phù hợp với phương pháp phòng dịch do Tổ chức Y Thế giới khuyến cáo. Việt Nam đang giám sát những ca bệnh, phát hiện sớm những người đi từ vùng dịch. Đồng thời, triển khai phác đồ điều trị kịp thời. Bên cạnh đó triển khai biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở cơ sở y tế, đặc biệt là từ người bệnh sang nhân viên y tế. Mọi phương pháp phòng dịch đều được thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt.

Điều đáng lo nhất là các ca bệnh ở Trung Quốc đang gia tăng, chưa có dấu hiệu ngừng. Vì thế, chúng ta phải tính đến tình huống xấu nếu lây sang cộng đồng Việt Nam. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đối phó được với dịch bệnh lần này.

MC: Thưa Quý vị và các bạn, trong thời gian ngắn, PGS.TS Nguyễn Trọng Khoa đã cho chúng ta phần nào hiểu được sự nguy hiểm cũng như cách phòng, tránh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona. Mỗi cá nhân có thể tự phòng, tránh virus Corona. Việt Nam cũng đã điều trị thành công cho 1 ca nhiễm virus Corona. Điều này mang lại nhiều hy vọng về khả năng chữa khỏi bệnh cho những người không may bị mắc bệnh.

Những nội dung buổi tọa đàm trực tuyến đã phần nào cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách quý đã tham dự buổi tọa đàm trực tuyến. Cảm ơn khán giả đã quan tâm theo dõi.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Đối phó với dịch viêm phổi do virus Corona

LH |

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) đang lan nhanh tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới với số ca mắc và tử vong cao. Làm thế nào để đối phó với dịch bệnh là vấn đề đang được quan tâm.

Lạng Sơn tăng cường phòng dịch viêm phổi cấp tại cửa khẩu Hữu Nghị

Phạm Đông - Tạ Quang |

Lạng Sơn là tỉnh có đường biên dài tiếp giáp Trung Quốc, do vậy, những ngày gần đây lực lượng chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp, chủng virus Corona mới (nCoV) tại các cửa khẩu. Các biện pháp phòng dịch được triển khai ngay từ các cửa khẩu - khu vực có nguy cơ dịch xâm nhập cao.

Không lo thiếu khẩu trang phòng bệnh viêm phổi cấp do virus Corona

L.V |

Trước tình trạng virus gây viêm phổi cấp Corona từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam, khẩu trang y tế đang được tiêu thụ mạnh liệu có “cháy hàng”?

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.