Cây ăn quả trong thành phố

đỗ phấn |

Không khó lắm để hình dung ra cây cối Hà Nội trước khi người Pháp đô hộ xứ Đông Dương chưa có quy hoạch như ngày nay ta thấy. Tâm lý của người nông dân miền Bắc luôn trồng những cây có quả. Người ta cũng coi trọng bóng mát của cây mang lại nhưng chỉ trồng ở những chốn sinh hoạt cộng đồng. Tuyệt không có ai trồng cây đa, cây đề, cây bàng ở nhà mình.

Dạo khắp phố phường vẫn còn thấy khá nhiều loài cây ăn quả được trồng xen lẫn với những cây cho bóng mát. Đôi khi có hẳn những đoạn phố trồng chuyên một loại cây ăn quả. Có thể thấy cây sấu được trồng trong phố với số lượng khá lớn. Những con phố Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... có hai hàng cây sấu cổ thụ kéo dài hết phố. Đoạn đầu Lê Thái Tổ có hàng cây me khoảng chục gốc già nua. Rải rác trên các phố Bà Triệu, Lý Thường Kiệt và vườn hoa Chí Linh cũng trồng những cây me sai trĩu quả. Những năm đầu thập niên ’60 người Hà Nội vẫn dùng thành ngữ “Trèo me, trèo sấu” để chỉ đám trẻ con thất học nhà nghèo. Chúng không trèo me trèo sấu để chơi mà là kiếm ăn hẳn hoi. Mùa hè chúng thường leo trộm lên cây me cây sấu hái quả mang bán cho hàng rau. Với chúng thì ngày mưa tháng bảy ra đường Tràng Thi nhặt được vài quả bàng chín rụng lau vào áo là đã có một món ăn ngon lành.

Mùa thu hoạch me, sấu ngày ấy được nhà nước bán đấu thầu từng đoạn cây trên phố cho các hiệp thợ trèo chuyên nghiệp. Họ có dây thừng bảo hộ nhưng cũng ít khi dùng. Dây ấy chủ yếu để thả những bị cói đầy quả xuống đất. Tất nhiên thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn gãy cành. Nhẹ cũng gãy chân tay và nặng có thể chết.

Trong những ngôi biệt thự hoặc nhà riêng có vườn rộng gia chủ thường trồng các loại cây ăn quả khác. Mảnh sân thể nào cũng có một giàn nho rườm rà xum xuê. Vườn tược xung quanh sẽ là ổi, nhãn, na, táo, hồng xiêm, hồng bì. Góc vườn sẽ là nơi trồng cây bưởi. Có chăm sóc và thu hoạch quả hẳn hoi chứ không chỉ để cho mát nhà. Giàn nho chẳng mát mẻ được bao nhiêu nhưng phải chịu đựng lũ sâu róm vào mùa xuân vô cùng ngứa ngáy. Vài túm nhãn cũng chẳng bõ công ngửi mùi bọ xít suốt cả mùa hè.

Tư duy trồng cây ăn quả còn lan sang cả những công trình công cộng trong thời gian này. Công viên Thống Nhất trồng những vườn nhãn xanh um. Tất nhiên chưa bao giờ thu hoạch vì nhãn vừa bói quả lốm đốm là trẻ con đã vặt hết. Những năm sau đó là nơi nuôi đàn bọ xít đông đảo về ăn hoa. Nhãn không bói quả nữa.

Những đình chùa miếu mạo trong phố cũng trồng khá nhiều cây ăn quả. Nhiều cây vẫn còn sống cho đến tận bây giờ. Những cây nhãn và cây muỗm cổ thụ ở sân sau đền Vũ Thạch đầu phố Bà Triệu cho một lượng quả lớn hàng năm. Cạnh đó là chùa Vũ Thạch trồng vài cây mít sai trĩu quả. Con đường vào đền Voi Phục có hai hàng cây muỗm tuyệt đẹp. Đã có vài bức tranh vẽ con đường này được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập về treo cho mọi người thưởng thức. Những cây muỗm lớn còn có ở đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, chùa Chân Tiên. Chùa Vân Hồ còn có cả một vườn chuối lớn lá xanh như ngọc.

Quả me, quả sấu là món ăn không thể thiếu của người Hà Nội cho đến tận bây giờ. Dù rằng cây me và cây sấu Hà Nội bây giờ không còn nhiều quả như trước nữa. Hình như nhà nước cũng không còn quản lý và bán chúng cho những người đấu thầu. Me và sấu dân phố tự dùng sào dài hái xuống cũng chẳng được bao nhiêu. Giờ thì me, sấu bán ngoài chợ hoàn toàn được cung cấp từ Hòa Bình, Lạng Sơn và vài nơi trên miền Bắc. Lạ ở chỗ khi người trong Nam nhận được cân sấu làm quà từ Hà Nội chuyển vào đều nghĩ rằng đó là quả sấu Hà Nội.

Nhà cửa chật chội cộng với dân số tăng mạnh trong vài thập kỷ qua đã gần như xóa bỏ hoàn toàn tư duy trồng cây ăn quả trong phố. Những biệt thự rộng rãi vườn tược phần lớn cải tạo xây mới hoặc chia nhỏ cho nhiều hộ gia đình sinh sống. Cây ăn quả cũng không còn đất để chen chân. Với một nền nông nghiệp phát triển mạnh về kỹ thuật canh tác như bây giờ thì việc trồng cây ăn quả trong thành phố cũng không còn cần thiết nữa. Mùa nào quả ấy bày bán đầy chợ và siêu thị. Nhiều năm được mùa xuống giá thảm hại. Người Hà Nội phải tích cực tham gia “giải cứu” vải, nhãn và hồng bì. Cũng có lúc phong trào giải cứu còn là ủng hộ những dưa hấu, xoài, chuối từ miền Nam chuyển ra.

Thành phố mở rộng ra các huyện ngoại thành lân cận. Những chung cư cao cấp mọc lên khắp xung quanh. Tuyệt đối không thấy người ta trồng cây ăn quả nữa. Kể cả cây sấu và cây me thân thuộc cũng vắng bóng ở những nơi này. Rất lâu rồi dân phố không còn trông thấy con sâu róm và con bọ xít. Lũ trẻ trèo cây lại càng tuyệt đối không thấy bao giờ. Chẳng vui mà cũng không buồn. Chỉ nao nao nhớ... 5.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Tin 20h: Yên Bái kiểm tra nhà hàng "chặt chém" đoàn từ thiện

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 19.9: Bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù vào hôm nay; Yên Bái kiểm tra nhà hàng bị tố chặt chém đoàn từ thiện...

Phía Miss Universe nói về thông tin Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp

Huyền Chi |

Thông tin Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại Thương gây xôn xao mạng xã hội.

Trực tiếp bóng chuyền U23 Thể Công Tân Cảng 0-0 U23 Ninh Bình: Set 1

Nhóm PV |

Trực tiếp chung kết giải bóng chuyền U23 quốc gia giữa U23 Thể Công Tân Cảng vs U23 Ninh Bình vào lúc 20h ngày 19.9.

Chậu hoa giấy trên phố đi bộ ở Đà Nẵng đồng loạt "nằm" tránh bão

Nguyễn Linh |

UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết đã chủ động đặt nằm các chậu hoa giấy tại phố đi bộ Bạch Đằng để tránh thiệt hại bởi ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Cháy lớn Hà Nội, khói lửa cuồn cuộn khiến người dân khiếp sợ

Hải Danh |

Một xưởng in rộng khoảng 400m2, kết cấu khung thép, mái tôn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) bốc cháy dữ dội khiến người dân khiếp sợ.

Nợ chế độ giáo viên Bình Định: Trách nhiệm "chảy" về trường

Hoài Phương |

Bình Định - Về việc giáo viên huyện miền núi Vân Canh bị nợ lương, chế độ kéo dài, các cơ quan, đơn vị liên quan đều cho rằng trách nhiệm chính thuộc về trường.

Chơi dưới chung cư, bé gái bị vật cứng rơi trúng, lõm sọ não

Hoàng Xuyến - Việt Anh |

Mới đây, tại một chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra trường hợp bé gái bị một vật cứng như bát, đĩa sứ rơi trúng vào đầu, gây lõm sọ não.

Xưởng trái phép vẫn uy hiếp hành lang đê Trà Lý ở Thái Bình

TRUNG DU |

Dù đã bị yêu cầu dừng hoạt động từ năm 2021, xưởng sản xuất, sơ chế phế liệu trái phép, gây ô nhiễm ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vẫn ngang nhiên tồn tại.