Dùng nguyên lý đòn bẩy, chiếc kéo từ xa xưa đã có hai lưỡi kim loại sắc được ghép sát vào nhau. Ban đầu dùng nguyên tắc lò xo, ở cuối lưỡi kéo là bản kim loại mỏng uốn cong có thể đàn hồi cho lưỡi mở ra khi ngừng tác động lực lên đấy. Chiếc kéo theo nguyên lý này vẫn còn dùng cho đến tận hôm nay. Đó là chiếc kéo bấm chỉ cho thợ may chuyên nghiệp ở nhà máy hay cửa hiệu nào cũng có.
Chiếc kéo được thợ rèn Việt chế tác ở làng chắc tuổi đời cũng đã hàng nghìn năm trước. Nó hẳn đã ra đời cùng lúc với nghề dệt vải có từ thời vua Hùng. Hàng nghìn năm sau cho đến tận thế kỷ XX chiếc kéo mới có thêm công dụng dùng để cắt tóc. Đơn giản vì người Việt các giới tính đều để tóc dài cho đến tận khi có phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng ở Trung Kỳ vào quãng 1906. Lúc này các thày chùa vẫn hoàn toàn cạo đầu bằng chiếc dao vòng mài sắc lẻm. Nghe nói khi mài dao vòng muốn thử độ sắc các thày vẫn lấy sợi tóc ra thổi qua lưỡi dao. Nếu tóc đứt thì đạt yêu cầu. Không đứt mài lại.
Chiếc kéo thợ rèn làng quê tự chế vẫn là công cụ phổ biến cho đến tận thời Pháp thuộc. Nó dùng để cắt tất cả mọi thứ từ vải vóc, quần áo, giấy, cây cỏ cho đến sắt, đồng, vàng, bạc chế tác đồ thủ công. Cuối cùng là dùng để cắt tóc. Những năm sau tiếp quản chỉ còn một số ít kéo của Tây nhập vào Hà Nội. Đó là những chiếc kéo với trình độ luyện kim khoa học và cơ khí chính xác trăm chiếc như một. Ông thợ may có chiếc kéo Tây mạ kền sáng quắc và chốt ốc dài như chân chống có thể đặt nằm nghiêng 45o trên bàn cắt vải để luồn ngón tay vào nhấc lên rất tiện. Ông ấy quý chiếc kéo như sinh mạng của mình. Sáng đi làm bỏ túi mang theo. Cả ngày không rời khỏi tầm mắt. Dùng xong cất vào bao da kè kè bên mình như một niềm hãnh diện. Cũng chỉ vài ông thợ may Hà Nội có chiếc kéo như vậy. Phần lớn thợ may vẫn phải dùng kéo thủ công hiệu Sinh Tài mua ở phố Sinh Từ.
Kéo cắt tóc của Pháp nhập về nhiều hơn nên những ông thợ làng Kim Liên có thể sắm cho mình vài chiếc. Sau hoà bình loại kéo này không được nhập về nữa. Hiệu cắt tóc trong phố đã bắt đầu nhìn thấy những chiếc kéo mài mòn vẹt trên bàn thợ. Phải đến quãng năm 1965, 1966 mới có nguồn nhập bổ sung là những chiếc kéo Trung Quốc để thay thế. Tuy nhiên, những tay thợ già vẫn không chuộng kéo Tàu. Họ bảo cầm rất nặng tay và tiếng kêu hơi bị câm hơn kéo Pháp. Khách cắt tóc tinh ý cũng có thể phân biệt được tiếng kéo Tây ròn tinh với tiếng kéo Tàu bậm bạch. Tiếng “bấm gió” của tay kéo lành nghề còn như thương hiệu nói lên đẳng cấp của họ. Nó quan trọng ở chỗ như một tín hiệu mời gọi khách khiến họ đắt hàng.
Hoá ra kéo cắt tóc tưởng đơn giản thế mà chưa bao giờ Việt Nam làm được một chiếc cho ra hồn. Những năm không còn mua bán với Trung Quốc nữa thì đến chiếc kéo cắt tóc mạ trắng cũng không kiếm đâu ra. Thợ cắt tóc khắp nông thôn thành thị lại phải dùng đến chiếc kéo thủ công của thợ rèn làng tự chế. Không có âm thanh vui tai đã đành. Cắt tóc vỉa hè mà gặp ông thợ dùng chiếc kéo đen sì là biết ngay nó còn có thêm công dụng nhổ tóc.
Những năm chiến tranh bao cấp thiếu thốn, người Hà Nội giữ ý với nhau cả từ miếng ăn miếng uống. Luộc con gà xong phải dùng kéo cắt cho khỏi phát ra tiếng kêu khiến hàng xóm chạnh lòng. Thế nhưng đến khi thừa thãi no đủ thì đột nhiên người ta lại chế ra chiếc kéo cắt thịt gà. Một dụng cụ mà bất kỳ người Hà Nội nào có chút tự hào ẩm thực cũng chẳng bao giờ dùng đến. Thịt gà cắt bằng kéo với tốc độ chậm sẽ bị ra nước và vết cắt không thể gọn sắc như chặt bằng dao. Cho nên dù có sản xuất ra rất nhiều kéo thì những thứ cắt bằng kéo đã được định danh từ rất lâu rồi. Đó cũng là lý do vì sao người Tây nói chung và kể cả các châu lục khác khi ăn bít tết bò vẫn phải dùng dao.
Ngày trước trong chương trình dạy thể dục cho học sinh phổ thông có bài tập nhảy xa theo kỹ thuật “cắt kéo”. Bài tập này khó đến nỗi hầu hết các thày giáo thể dục cũng chỉ có thể mô tả bằng cách mở sách giáo khoa ra để học sinh nhìn hình vẽ mà tưởng tượng. Đó là môn thi duy nhất tha hồ cho học sinh dùng “phao”. Đứa nào “quay cóp” mà thực hiện được cũng đạt điểm tuyệt đối. Nhưng đa số khi giậm nhảy lên không, hai chân chưa kịp “cắt kéo” nhát nào đã rơi bịch xuống hố cát. 10.2017