Không khí mát mẻ từ sâu bên trong ngọn núi toả ra nhẹ nhàng qua các đường hầm có mái vòm cong. Dọc theo các bức tường của những lối đi ngầm, những huyệt mộ đã được đào sẵn vào đá.
Tuy nhiên, ngôi mộ tập thể này không phải là một di tích của đế chế La Mã. Nó được làm bằng các máy đào điện khổng lồ. Mọi người sẽ đi vào bằng thang máy, và những người có khả năng di chuyển hạn chế có thể sử dụng một chiếc xe golf.
Đối mặt với tình trạng thiếu đất trầm trọng, thành phố Jerusalem đang chuẩn bị vào cuối tháng này để hồi sinh một phong tục chôn cất dưới lòng đất cổ xưa. Dự án kéo dài 4 năm đã đào 1,6km đường hầm mê cung vào một sườn đồi ở ngoại ô thánh địa để làm nghĩa trang cho 23.000 ngôi mộ.
“Những gì bạn đang thấy ở đây là nghĩa trang ngầm đầu tiên của kỷ nguyên mới” - tờ The Guardian dẫn lời ông Adi Alphandary (người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh tại Rolzur, công ty xây dựng của Israel) cho biết.
Công ty Rolzur chuyên đào đường hầm, thường là cho tàu hỏa hoặc đường bộ. Tuy nhiên, khách hàng của Rolzur trong dự án này có nhu cầu tâm linh nhiều hơn.
Công ty tang lễ Kehillat Yerushalayim, công ty lớn nhất cung cấp dịch vụ tang lễ cho người Do Thái ở Jerusalem, tài trợ cho dự án này với chi phí lên tới 58 triệu USD. Công ty có các quy tắc nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm hỏa táng, để cho người chết được trở về với đất.
Đi bộ quanh các hầm ngầm, Alphandary nói rằng có một thách thức thiết kế cho dự án này, đó là làm thế nào để nó trông giống như một nơi thanh bình.
Ánh sáng đèn LED dịu nhẹ chiếu qua các lối đi nhỏ hẹp, trong đó một số lối đi cao tới 15 mét và có thể chứa 9 tầng mộ ở mỗi bên. Màu sắc nổi bật duy nhất phát ra từ ánh sáng hổ phách của những chiếc đèn kính màu khổng lồ tại các giao lộ dưới lòng đất, tác phẩm của nghệ sĩ người Đức Yvelle Gabriel.
Lễ khánh thành vào ngày 30.10 tới sẽ chỉ mở cửa một phần ba đầu tiên của khu phức hợp, với 8.000 ngôi mộ đã sẵn sàng để chôn cất, trong khi phần còn lại của các đường hầm sẽ tiếp tục được đào. Tang lễ dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11. Trong tuần này, công nhân đang gấp rút lắp đặt ống thông gió đường kính 2 mét để lưu thông không khí trong hang.
Ở Jerusalem và trên khắp Israel, các nghĩa trang chật kín đã không thể tiếp nhận chôn cất thêm. Những người không phải người Do Thái được chôn cất trong các nghĩa trang riêng biệt.
Đưa người chết xuống lòng đất là một ý tưởng mà công ty Rolzur muốn thực hiện trên toàn thế giới, khi các thành phố đang phát triển đã không còn quỹ đất cho nghĩa trang.
Nghĩa trang Jerusalem nằm ngay dưới nghĩa trang lớn nhất của người Do Thái, Givat Shaul, đang nhanh chóng cạn kiệt không gian. Nơi đây có gần 250.000 ngôi mộ và đã phải xây dựng các công trình chôn cất nhiều tầng trông giống như bãi đỗ xe.