Các nhà lập pháp Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May, kéo theo một biến động chính trị mà có thể khiến Anh rời khỏi EU trong tình trạng lộn xộn hoặc thậm chí đảo ngược quyết định rời đi vào năm 2016.
Nghị viện biểu quyết với tỉ lệ 432-202 chống lại thỏa thuận của Thủ tướng May. Đây là thất bại nặng nề nhất cho một một chính phủ trong lịch sử gần đây của Anh tại Nghị viện, với hàng loạt các nhà lập pháp thuộc đảng của bà - cả những người ủng hộ Brexit lẫn những người ủng hộ Anh ở lại EU - cùng hợp lực biểu quyết bác bỏ thỏa thuận.
“Thoả thuận Brexit về cơ bản đã chết” - tờ SCMP dẫn lời ông Annand Menon, giáo sư chính trị, đối ngoại Châu Âu tại Trường King’s College London, nhận định. “Các nhà lập pháp EU và Anh sẽ coi đây là thoả thuận chết và không có thay thế nào hiện hữu cho chính sách Brexit”.
Lãnh đạo Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn nhanh chóng kêu gọi một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà May, tổ chức trong vòng 24 giờ, bước đi có thể khởi động cho cuộc tổng tuyển cử - theo BBC.
Thủ tướng May nói bà sẽ dành thời gian để chủ đề này được tranh luận vào hôm nay - 16.1. Thường thì với thất bại lớn đối với việc bỏ phiếu cho chính sách quan trọng như vậy sẽ dẫn đến việc thủ tướng từ chức. Nhưng bà May tỏ ý bám trụ trong một thông báo ngay sau lá phiếu này.
"Quốc hội đã lên tiếng và chính phủ này sẽ nghe" - bà nói và đề nghị hội đàm giữa các đảng để xác định một con đường cho Brexit.
Thất bại nặng nề của bà May, là lần đầu tiên Nghị viện Anh bác bỏ một hiệp ước kể từ năm 1864, đánh dấu sự sụp đổ chiến lược hai năm qua của bà nhằm thu xếp để Anh rời đi êm ấm trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với EU sau ngày 29.3.
Nhiều người phản đối Brexit, hy vọng sự thất bại của bà May cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên EU của Anh, dù những người ủng hộ Brexit nói rằng cản trở ý nguyện của 17,4 triệu người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit có thể khiến phần lớn cử tri trở nên cực đoan.
Những người ủng hộ Brexit mô tả việc rời bỏ Liên minh mà họ xem là quá quan liêu và đang nhanh chóng tụt hậu so với các cường quốc kinh tế hàng đầu của thế kỷ 21, Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Donald Tusk, nói ông lấy làm tiếc về kết quả bỏ phiếu và rằng ông thúc giục chính phủ Anh "làm rõ các ý định để có được các bước đi tiếp theo sớm nhất có thể".