Hiện tại, Nga đứng trước nguy cơ bị khai trừ khỏi Hội đồng Toàn Châu Âu, do 2 năm liền không đóng góp kinh phí, tính đến tháng 6.2019.
Việc Mátxcơva đình chỉ việc đóng góp vào ngân sách là nhằm để trả đũa Nghị viện Hội đồng Toàn Châu Âu tước quyền bỏ phiếu của các nghị sĩ Nga, do vụ sáp nhập Crimea.
Tuyên bố chung ngày 17.5 của Hội đồng khẳng định, đúng như lập trường của Nga, chỉ duy nhất Ủy ban các ngoại trưởng, được coi là cơ quan hành pháp của Hội đồng, mới có quyền quyết định đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia, căn cứ theo Hiệp ước London năm 1949. Tuy nhiên, đổi lại, Hội đồng Toàn Châu Âu kêu gọi Nga thực hiện nghĩa vụ đóng góp bắt buộc.
Theo Reuters, bản tuyên bố chung đã được hội nghị các ngoại trưởng của Hội đồng Toàn Châu Âu, họp tại Helsinki ngày 17.5 thông qua, sau đó được các nghị sĩ họp ở Strasbourg (Pháp), bỏ phiếu với 39 phiếu thuận trên tổng số 47. Pháp và Đức đã nỗ lực để tránh việc Nga rút khỏi tổ chức này.
Nga cũng bắn tiếng là sẽ tỏ ra mềm dẻo hơn. Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nhấn mạnh là việc Mátxcơva tham gia vào Tòa án Nhân quyền Châu Âu - định chế quốc tế thành lập năm 1959, trực thuộc Hội đồng toàn Châu Âu - sẽ rất có lợi cho việc cải thiện hệ thống tư pháp và nhà tù ở Nga.
Thêm một dấu hiệu hòa giải khác, thông cáo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết đang xem xét nối lại phần đóng góp ngân sách chung của Nga.