Nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang truy vết các báo cáo y khoa trước đây nhằm tìm manh mối thời điểm bùng phát dịch COVID-19 với hy vọng đưa ra một bức tranh tổng quát về việc virus đã lây lan nhanh như thế nào.
Một nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Avicenne ở Paris, đứng đầu là bác sĩ Yves Cohen, Trưởng Khoa Cấp cứu, đã bắt đầu tìm hiểu từ tháng trước. Họ đã kiểm tra lại hồ sơ y tế của các bệnh nhân được chăm sóc tích cực mắc bệnh giống như cúm trong khoảng thời gian từ 2.12 đến 16.1.
Amirouche Hammar, 43 tuổi, sống tại vùng ngoại ô Paris, đã được các nhà nghiên cứu cho là "bệnh nhân số 0" tại Pháp. Anh được chẩn đoán viêm phổi từ tháng 12.2019, sớm hơn gần 1 tháng so với thời điểm Pháp công bố ca nhiễm đầu tiên.
"Tôi đã bị sốc", Hammar nói sau khi nhận được tin báo từ bác sĩ Cohen. Cuộc sống của anh gần như đã trở lại bình thường sau 5 tháng và anh coi đó là "một phép lạ".
Hammar đã tả lại các triệu chứng xuất hiện từ tháng 12 - hoàn toàn khớp với các dấu hiệu mắc COVID-19 gồm ho, đau ngực, khó thở. "Tôi bắt đầu thấy đau ở ngực, cảm giác như bị dao đâm. Tôi thậm chí còn ho ra máu," anh nhớ lại.
"Trong khoảng thời gian nằm viện, mọi người trong gia đình tôi đều rất hoảng loạn, không ai biết gì về các triệu chứng bệnh tôi mắc phải", Hammar nói. Fatiha - vợ của Hammar - ở nhà với bốn đứa con, đã lo lắng tới mức cứ 20 phút lại gọi điện cho chồng. Fatiha cũng bị ho và sốt nhẹ - những dấu hiệu mà cô nghĩ là cảm lạnh.
Mới đây sau khi biết từng mắc COVID-19 vào thời điểm đó, Hammar và vợ đã hồi tưởng lại các sự việc diễn ra trong tháng 12 năm ngoái về những nơi họ đã tới, những người họ đã gặp.
Cả hai đã không đi máy bay từ tháng 8 năm ngoái. Vợ Hammar làm việc tại một siêu thị gần sân bay và cặp vợ chồng nghi ngờ có thể một du khách đã làm lây lan virus. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn là một ẩn số.
"Phát hiện này mang lại cho chúng ta cái nhìn hoàn toàn mới về sự lây lan của dịch bệnh" đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier nói và khuyến khích các nước khác khác tiến hành lần vết tương tự.