Vai trò của biến đổi khí hậu với bão nhiệt đới
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm cho các cơn bão lớn trở nên tồi tệ hơn. Khi các đại dương ấm hơn sẽ có thêm nhiên liệu cho bão hoặc siêu bão phát triển.
BBC dẫn báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) Liên Hợp Quốc cho biết, tần suất mạnh lên nhanh chóng của bão đã tăng lên trên toàn cầu trong 40 năm qua.
Báo cáo tiếp tục kết luận với "độ tin cậy cao" rằng tỉ lệ các cơn bão cấp độ mạnh sẽ tăng trên quy mô toàn cầu cùng với sự ấm lên ngày càng tăng.
Nói cách khác, các cơn bão hình thành có khả năng trở nên dữ dội hơn, nếu chúng đổ bộ vào đất liền và sẽ gây ra nhiều tác động hơn.
Mùa bão năm 2021 mạnh thứ ba được ghi nhận
Mùa bão Đại Tây Dương năm 2021 đã chính thức kết thúc và là mùa bão hoạt động mạnh thứ ba được ghi nhận.
Mặc dù tháng 11 có rất ít hoạt động của bão nhiệt đới, nhưng tất cả các tên bão được xác định trước đã được dùng hết sạch trong năm thứ hai liên tiếp.
Có 21 cơn bão nhiệt đới được đặt tên trong mùa bão Đại Tây Dương 2021, bao gồm 4 siêu bão với sức gió từ 180km/h. Với con số này, năm 2021 chỉ đứng sau năm 2020 và 2015 về số lượng bão.
Matthew Rosencrans, trưởng nhóm dự báo bão theo mùa tại Trung tâm Dự báo Khí hậu và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ, cho biết: "Các yếu tố khí hậu, bao gồm La Nina, nhiệt độ bề mặt nước biển trên mức trung bình vào đầu mùa và lượng mưa trên mức trung bình là những yếu tố chính dẫn đến mùa bão trên mức trung bình này".
Bão Ida là cơn bão mạnh nhất và tốn kém nhất trong năm trong khu vực. Ban đầu nó đổ bộ vào quần đảo Cayman vào ngày 26.8 ở cấp độ bão nhiệt đới. Sau đó, Ida mạnh lên trong vùng biển ấm của Vịnh Mexico và trở thành một cơn bão cấp 4 với sức gió 241km/h.
Ida cuối cùng đổ bộ vào Louisiana, Mỹ vào ngày 29.8, trở thành cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất đổ bộ vào tiểu bang Mỹ kể từ cơn bão Katrina năm 2015. Ngoài gió giật gây thiệt hại, siêu bão Ida còn gây mưa lớn, lũ lụt, lũ quét trên diện rộng.
Lần đầu tiên cảnh báo khẩn cấp về lũ quét được đưa ra ở New York - cảnh báo vốn chỉ được ban hành trong những trường hợp cực kỳ hiếm khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người với thiệt hại thảm khốc.
Bão Ida gây thiệt hại ước tính hơn 65 tỉ USD với 115 người thiệt mạng trên khắp quần đảo Caribe và Mỹ.
Với tất cả các tên bão nhiệt đới đã được sử dụng hết trong năm nay, cơn bão được đặt tên tiếp theo sẽ đến từ một danh sách bổ sung mới về tên chứ không phải bảng chữ cái Hy Lạp, vốn đã là quy ước cho đến khi có những thay đổi trong năm nay.
Theo Ủy ban về bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới, việc sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp vào năm 2020 có những thiếu sót, bao gồm sự nhầm lẫn một số tên. Các cơn bão Zeta, Eta và Theta hình thành liên tiếp nhanh chóng, dẫn đến các cơn bão có tên giống nhau hoạt động cùng lúc.
Những cơn bão cuối cùng
Bão nhiệt đới Wanda hình thành vào cuối tháng 10, nhưng trước đó, cơn bão cuối cùng được đặt tên là Victor, hình thành và tan trên vùng biển mở của Đại Tây Dương vào cuối tháng 9.
Theo Philip Klotzbach, chuyên gia về bão tại Đại học Bang Colorado ở Fort Collins, không có cơn bão lớn nào hình thành trong suốt tháng 10, đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất kể từ năm 1977.
Sự kết thúc khá đột ngột của bão là do sự kết hợp của bầu không khí khô xung quanh vùng nhiệt đới, tốc độ gió trong khí quyển lớn hơn và nhiệt độ bề mặt biển giảm dần khi bán cầu bắc đi qua mùa thu. Tất cả những điều này có xu hướng làm giảm khả năng hình thành các cơn bão lớn.