Gặp người chuyên xử lý những sự kiện bi thảm nhất của thế giới hiện đại

Hương Giang |

Robert Jensen đã dành phần lớn sự nghiệp để khôi phục trật tự sau những sự kiện khiến hàng loạt người bỏ mạng như khủng bố, rơi máy bay. Ông chịu trách nhiệm xác định các thi thể, chăm sóc thân nhân của người bị nạn và thu hồi đồ dùng cá nhân của họ tại hiện trường. Dưới đây là câu chuyện vì sao ông trở thành người giỏi nhất trong công việc dường như rất khó khăn và kinh khủng này.
Mảnh thi thể vương vãi trên sườn núi
Một nhóm người vừa chém cây vừa lầm lũi tiến đi trong rừng. Họ không biết chắc mình cần đi chính xác tới chỗ nào và sẽ tìm thấy gì ở đó. Nhiều ngày trước, các máy bay tìm kiếm lượn trên dãy núi Andes ở Peru đã phát hiện nhiều mảnh vỡ của chiếc trực thăng bị rơi xuống một khu vực nằm trên sườn núi. Đáp máy bay xuống điểm va chạm là điều không thể thực hiện nên cả nhóm tìm kiếm đành phải đi bộ.
Dẫn đầu nhóm là Robert Jensen, một người đàn ông cao to, khỏe mạnh, đội một chiếc mũ bảo hiểm màu trắng. Jensen cũng chính là người đã lập đội và nghiên cứu kế hoạch tới điểm va chạm, vốn khiến 10 người làm việc cho công ty khai mỏ Rio Tinto thiệt mạng. Đội của Jensen gồm 2 cảnh sát Peru, hai điều tra viên, vài chuyên gia pháp y và nhân chủng học bên cạnh một nhóm nhân viên kiểm lâm đã quen với các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ ở độ cao lớn. Có điều tất cả đều biết đây không phải là một nhiệm vụ cứu hộ.
Jensen là người các công ty bốc máy gọi khi điều tồi tệ nhất xảy ra. Từ “tồi tệ nhất” bao gồm tất cả các sự kiện kinh hoàng, hỗn loạn nhất mà người ta có thể nghĩ tới - rơi máy bay, tấn công khủng bố, thảm họa thiên nhiên. Jensen không có năng khiếu đặc biệt trong việc thu thập các thi thể, nhận diện đồ dùng của nạn nhân hay nói chuyện với gia đình các nạn nhân. Những gì ông có chỉ là kinh nghiệm. Trải qua một sự nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ, Jensen đã nổi tiếng vì là người giỏi nhất trong một lĩnh vực rất hiếm người làm như thế này. Với tư cách chủ sở hữu Công ty cứu hộ khẩn cấp Kenyon International, mỗi năm Jensen thường phải giải quyết hậu quả của từ 6 tới 20 thảm họa gây chết người. Công việc khiến ông tiếp xúc rất gần với những sự kiện bi thảm nhất của lịch sử hiện đại. Đơn cử như ông đã xử lý các vấn đề liên quan tới người chết sau vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma. Ông bay thẳng tới Lầu Năm Góc sau vụ khủng bố 11.9 và tham gia vào nỗ lực thu hồi thi thể sau cơn bão Katrina.
Vụ rơi trực thăng ở Peru hồi năm 2008 không trở thành sự kiện chấn động thế giới. Nhưng tính phức tạp của nhiệm vụ khiến Jensen nhớ mãi. Ông kể rằng khí hậu nóng ẩm ở Peru khiến mọi thứ dính chặt vào nhau và những rủi ro của việc đi lại trong rừng luôn rất cao. Jensen đã tiến hành một đánh giá rủi ro trước khi khởi hành và nhận thấy có 23 loài rắn độc sống trong khu vực trực thăng rơi. Ông chỉ có thuốc giải độc cho 3 loài nên đã yêu cầu trong tình huống bị cắn, các thành viên trong nhóm cần phải cố xác định rõ con rắn trông như thế nào, trước khi bất tỉnh. Ông cũng buộc họ phải di chuyển theo nhóm 2 người, bất kể đang làm việc gì, để đề phòng tình huống bị báo Nam Mỹ tấn công.
Jensen làm việc với sự hiệu quả đáng kinh ngạc. Gần như nhóm đã đối mặt với mọi trở ngại trong hành trình và đều vượt qua, với sự bình tĩnh như của những người lính. Sau khi tới nơi, Jensen hướng dẫn nhóm bắt đầu dọn dẹp hiện trường và lắp đặt thừng để lên xuống sườn núi. Họ thu gom tất cả các mảnh vỡ có thể tìm thấy vào trong những chiếc giỏ rồi chuyển chúng lại cho các chuyên gia pháp y. Những người này sẽ rà soát để tìm ngay lấy mảnh xương, mảnh thi thể. Hoạt động xử lý sâu hơn sẽ được thực hiện sau.
Sau 6 ngày tìm kiếm và thu hồi gần như mọi thứ, Jensen bất chợt thấy có gì đó lủng lẳng trên cành của một cây cao. Leo lên cành cây đó là một hoạt động rất rủi ro, kể cả khi đã được trang bị dây thừng bảo hiểm, nhưng Jensen không thể bỏ thứ đó lại. Ông bèn tự mình leo lên và nhận ra đó là một mảnh thi thể nên bỏ nó vào một chiếc túi nhựa rồi leo xuống. Tới lúc này, công việc của ông mới hoàn tất. Tổng cộng nhóm tìm được 110 mảnh xương, bên cạnh các mảnh thi thể, nhiều đồ đạc cá nhân, mảnh vỡ máy bay và thiết bị ghi âm buồng lái. Chúng giúp công ty Kenyon xác định gần hết các nạn nhân đã thiệt mạng và đó là một kỳ tích liên quan tới một vụ tai nạn tốc độ cao như rơi trực thăng.
Mọi thứ sau đó sẽ được đưa trả lại cho gia đình các nạn nhân. Chúng có vai trò rất quan trọng, giúp an ủi họ. “Các gia đình sẽ hiểu rằng thi thể người thân yêu của họ không bị bỏ mặc lại trong rừng. Tất cả đều được thu gom hết, kể cả những mẩu xương nhỏ”, Jensen nói.
Các chuyên gia xử lý hậu quả thảm họa chết người
Trụ sở Kenyon nằm tại Bracknell, Anh quốc, nơi chỉ cách London một giờ chạy xe. Đằng sau dãy nhà văn phòng trông rất bình thường của công ty là một nhà kho khổng lồ, nơi những thứ tìm thấy trong các vụ tai nạn, khủng bố khác nhau, được chụp ảnh, nhận diện và lưu trữ.
Kenyon mới dọn tới địa điểm này gần đây, vốn cách không xa sân bay Heathrow nên có lợi cho công tác hậu cần. Nhưng công ty đã có một lịch sử tồn tại khá lâu dài. Năm 1906, Harold và Herbert Kenyon, các con trai của một giám đốc nhà tang lễ ở Anh, lần đầu được đề nghị giúp thu hồi và nhận diện 28 thi thể sau một vụ tàu trật bánh gần Salisbury. Từ sau đó, anh em nhà Kenyon đã luôn có mặt sau mỗi vụ việc lớn.
Thời hiện đại, khi công nghệ phát triển, những vụ việc khiến nhiều người chết cũng diễn ra trên một quy mô lớn hơn. Di chuyển bằng máy bay trở nên tiện lợi, nhanh và dễ dàng hơn. Đồng thời, các vụ rơi máy bay cũng trở nên đặc biệt chết chóc. Vũ khí có sức hủy diệt lớn hơn, dẫn tới việc thân xác người dễ tan thành các mảnh nhỏ hơn. Nhu cầu phải có một chuyên gia thu gom, xác định mọi thứ sau thảm họa trở nên ngày càng cần thiết và Kenyon đã trở thành công ty toàn cầu.
Ngày hôm nay, phần lớn người ta vẫn nghĩ rằng các chính quyền tự giải quyết hậu quả sau một thảm họa quy mô lớn. Thực tế thường là thế. Phần lớn kinh nghiệm Jensen có được trước khi gia nhập Kenyon vào năm 1998 là xử lý các vấn đề trong nhà xác của Lục quân Mỹ. Nhưng bên cạnh chính quyền và quân đội, còn có các công ty lớn như Kenyon, bởi họ có kinh nghiệm xử lý những việc như thế này và họ không chịu các ảnh hưởng chính trị.
Ngoài những vụ khủng bố, phần lớn công việc của Jenson chỉ liên quan tới những vụ tai nạn hàng không. Người ta vẫn tưởng rằng trong tình huống xảy ra tai nạn rơi máy bay, các hãng hàng không sẽ gánh vác toàn bộ trách nhiệm và tự xử lý hết mọi chuyện có liên quan. Thực tế thì không như thế. Họ sẽ sử dụng các công ty có chuyên môn cao như Kenyon để giúp giải quyết hậu quả. Ngoài những động lực về mặt đạo đức, rằng cần phải làm điều tốt nhất cho gia đình các nạn nhân, các hãng còn cân nhắc việc sẽ phải đền mệt nghỉ nếu xử lý thảm họa không tốt. Cần biết rằng nhiều năm hứng đơn kiện và việc bị truyền thông đưa tin tiêu cực vì xử lý quá tồi thảm họa có thể đánh gãy lưng một công ty. Đơn cử như Malaysia Airlines đã chật vật hồi phục sau khi hứng chịu chỉ trích dữ dội vì phản ứng quá tồi sau các thảm họa MH370 và MH17.
Các hãng hàng không thậm chí có thể giao mọi việc cho Kenyon; dịch vụ của công ty bao gồm tổ chức các trung tâm giải đáp thắc mắc của công chúng và truyền thông; nhận diện và trao trả thi thể nạn nhân; chôn cất hàng loạt nạn nhân và thu hồi tư trang của những người gặp nạn.
Khi một chiếc máy bay rơi, khách hàng sẽ lập tức báo với Jensen. Thường thì khách hàng sẽ là một hãng hàng không, dù trong một số trường hợp thì đó là công ty như Rio Tinto hoặc chính quyền nơi xảy ra vụ rơi máy bay. Ông sẽ lập tức thu gom thật nhiều thông tin nhất có thể. Đồng thời trong đầu ông đã tính toán ngay xem ai ở Kenyon sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc gì.
Chỉ vài phút sau khi gọi điện cho khách hàng, Jensen đã nắm đủ thông tin về sự kiện để quyết định xem khách hàng coi điều gì là quan trọng nhất. Sau vài giờ, đội ngũ nhân viên xử lý vụ việc trong Kenyon có thể tăng từ 27 người làm việc toàn thời gian tại đây lên 900 nhà thầu độc lập, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của thảm họa.
Trước tiên, Jensen cho thành lập một đội liên lạc xử lý khủng hoảng. Họ gồm nhiều người, hoạt động tại nhiều nước trên thế giới, luôn chờ bên điện thoại, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của truyền thông. Trong khi đó, một đội liên lạc khác tìm cách kết nối với khách sạn nằm gần điểm xảy ra tai nạn nhất. Gia đình các nạn nhân sẽ được đưa tới đây từ khắp nơi trên thế giới nên khách sạn này phải đủ lớn và dễ tiếp cận để có thể đón họ. Sau khi được lựa chọn, khách sạn sẽ nhanh chóng biến thành một trung tâm hỗ trợ, nơi các gia đình chờ đợi, đau khổ cùng nhau và có thể nghỉ ngơi đôi chút giữa những lần chờ tin báo về.
Khi những việc này xong xuôi, Jensen đã cùng đội của ông lên đường tới điểm xảy ra tai nạn. Có được thông tin bao quát về hiện trường, ông sẽ điều phối với một nhà xác. Con số nạn nhân thiệt mạng thường không phải là vấn đề lớn. Thay vào đó là tình trạng của thi thể. Ví dụ, một vụ rơi máy bay cỡ nhỏ ở Mozambique hồi năm 2013 đã cần tới các hoạt động nhà xác còn lớn hơn nhiều một vụ rơi máy bay thương mại cỡ lớn. Dù chỉ có 33 hành khách thiệt mạng, nhóm đã thu hồi được 900 mảnh xương và thi thể cần phải xử lý.
Một quy trình tỉ mẩn giúp khỏa lấp nỗi đau
Khi Jensen đã nắm nhiều thông tin hơn về thảm họa, ông sẽ thông báo tin cập nhật cho các gia đình. Những buổi thông báo như thế luôn diễn ra rất khó khăn. “Bạn không thể đảo ngược chuyện đã xảy ra, nên tốt nhất là đừng khiến nó trở nên tệ hơn”, ông chia sẻ. Jensen luôn muốn trao cho các gia đình chút hy vọng, dù mong manh nhất, nhưng thực tế thì ông luôn phải cung cấp sự thật lạnh lùng.
Đầu tiên, ông cảnh báo các gia đình rằng họ sẽ phải nghe những thông tin rất trực tiếp. Lập tức các ông bố bà mẹ lùa con ra khỏi phòng. “Các vị cần hiểu rằng đây là một vụ va chạm tốc độ cao, có nghĩa thân nhân của các vị sẽ không còn trông như chúng ta nữa”, ông có thể nói với họ như thế. “Điều này có nghĩa chúng tôi đang tiến hành thu hồi hàng ngàn mảnh thi thể.” Sau khi nghe câu này, những âm thanh kinh ngạc sẽ vang lên trong phòng. Jensen đã hút sạch hy vọng của những con người đó. Nhưng ông phải làm thế, để họ nhanh chóng chuyển tiếp qua cuộc sống mới sau biến cố.
Jensen không thích dùng từ “khép lại đau thương”. “Tôi không thấy các gia đình đang khép lại thứ gì cả”, ông nói. “Họ chỉ đang thực hiện một sự chuyển đổi, từ cái từng được xem là bình thường trước đây sang một sự bình thường mới”. Quá trình chuyển đổi sau khi mất đi thân nhân luôn luôn khó khăn, nhưng trong những vụ rơi máy bay, cảm giác đau đớn còn tăng lên gấp bội vì phải chịu nhiều ảnh hưởng khác. Thường thì các gia đình sẽ không nhận được một thi thể nguyên vẹn. Thậm chí trong nhiều tuần, ngay cả một mảnh thi thể nhỏ cũng không thể tìm thấy. Một số còn không được trao cho bất kỳ thứ gì, kẻ cả tư trang của nạn nhân.
Thiếu những thứ đó, người ta chẳng thể chia sẻ bất kỳ điều gì với bạn bè, gia đình, không thể lãnh tiền bảo hiểm và cũng chẳng có gì để chôn cất. Các trách nhiệm đổ tới cùng với việc mất đi một người thân bỗng trở thành gánh nặng khủng khiếp. Và tất cả những gì các gia đình có thể làm chỉ là chờ thêm thông tin.
Khi những mảnh thi thể và đồ dùng cá nhân đầu tiên được thu thập từ hiện trường, người của Kenyon sẽ tiến hành lấy mẫu răng, thông tin y tế và tiến hành một loạt cuộc trao đổi dài hơi với các gia đình. Họ sẽ tìm bất kỳ thông tin chi tiết nào có thể giúp xác định nạn nhân. Mỗi gia đình sẽ phải chọn ra một người sẽ nhận thi hài và đồ dùng cá nhân thu được. Sẽ có những tranh cãi, với một số thậm chí chỉ kết thúc ở tòa án. Kenyons giải thích tiến trình xử lý những thứ thu được từ hiện trường và hỏi các câu cần thiết với gia đình nạn nhân: Liệu họ có muốn làm sạch các món đồ đã được tìm thấy? Họ muốn nhận chúng qua dịch vụ chuyển phát hay trực tiếp? Jensen để các gia đình được lựa chọn theo ý họ. Khi thảm họa xảy ra, họ đã chẳng có quyền kiểm soát kết cục của nó nên tiến trình xử lý các hiện vật thu được từ hiện trường sẽ giúp mang lại chút cảm giác cân bằng cho họ.
Các gia đình cũng có thể chọn không tham gia. Với một số người, các món đồ dùng cá nhân không quan trọng, hoặc mảnh thi thể không có giá trị gì với họ. Nhưng gần như tất cả các gia đình đều không muốn đứng ngoài tiến trình xử lý. Hailey Shanks mới chỉ được 4 tuổi khi mẹ cô, một nữ tiếp viên hàng không, thiệt mạng trong vụ rơi chiếc máy bay của hãng Alaska Airlines hồi năm 2000. Thứ duy nhất người ta thu hồi được chỉ là một chiếc cúc nằm trên bộ đồng phục và một chiếc khuyên xuyên vào rốn của người mẹ. Nhưng chừng đó đã đủ để giúp Shanks đương đầu với những chấn thương tâm lý, những cơn ác mộng hình thành sau khi mẹ mất.
Những thứ được tìm thấy đổ về nhà kho của Kenyon dưới đủ loại trạng thái. Chúng hầu hết đều ướt nhẹp vì thời tiết ngoài trời và vì hoạt động chữa cháy. Chúng luôn có mùi giống như xăng máy bay hay thứ gì đó đang phân hủy. Khi gói hiện vật đầu tiên được đưa về, thành viên của đội phân tích sẽ cẩn thận mở ra và để các thứ thu được ra giữa phòng phân tích. Các hiện vật sẽ được kiểm tra và đưa vào nhóm “có liên quan” nếu nó thuộc về hành khách nào đó, với tên của họ ở trên, hoặc nhóm “chưa xác định” như một chiếc đồng hồ, một chiếc vali với phần tên ở trên không thuộc về một hành khách của chuyến bay xấu số.
Các hiện vật có liên quan sẽ được trả lại cho các gia đình trước. Các hiện vật thuộc nhóm còn lại sẽ được chụp ảnh và đưa vào một danh mục lên trên mạng để các gia đình kiểm tra, đề phòng tình huống họ có thể nhận ra thứ gì đó.
Khi các gia đình cố nhận diện những món đồ được đưa lên mạng, chính Jensen cũng nỗ lực làm việc để kết nối các hiện vật này với những nạn nhân. Ông và đội sử dụng mọi manh mối, gồm các bức ảnh thu được từ những chiếc thẻ nhớ, số điện thoại lấy từ những chiếc điện thoại di động bị hỏng. Jensen thậm chí còn đưa chìa khóa xe tới các đại lý bán xe để xem họ có lần ra cho ông một số VIN xe nào đó không. Thường thì đại lý chỉ có thể cho ông biết xe đã được bán tại nước nào, nhưng ngay cả thông tin đó cũng rất quan trọng. Ví dụ Jensen biết rằng một bộ chìa khóa thu được tại hiện trường vụ rơi máy bay Germanwings ở Đức thuộc về một chiếc xe được bán ở Tây Ban Nha. Thông tin đã thu hẹp đáng kể danh sách các chủ nhân mà chùm chìa khóa này thuộc về.
Những ký ức đầy ám ảnh
Xử lý đồ dùng thuộc về một nạn nhân có thể mang tới trải nghiệm khó khăn hơn việc nhận dạng một thi thể. “Khi nhận dạng một thi thể, bạn chỉ cần tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thông thường. Nhưng khi phải xử lý các món đồ từng thuộc về cá nhân, bạn sẽ có khả năng biết nhiều điều về cuộc sống của con người đó. Họ thích nghe nhạc gì? Họ lưu ảnh của ai? Họ dùng những món đồ gì?”. Một thi thể chỉ là một thi thể, nhưng các món đồ cá nhân cho thấy một cuộc đời. Rất khó để quên một nạn nhân, khi bạn nhìn vào các bức ảnh cưới của họ, chỉ được chụp trước tai nạn một vài tuần. Nhưng rồi ông tự nhủ với mình rằng tránh không để bị vướng vào những bi kịch của người khác.
Tất cả các hoạt động liên quan tới việc trả lại đồ dùng của nạn nhân cho thân nhân đều phụ thuộc vào quyết định của các gia đình. Jensen không bao giờ giả định rằng ai đó muốn những món đồ này được làm sạch. Ông kể lại câu chuyện của một người phụ nữ mất con gái khi chuyến bay Pan Am số 103 bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie vào năm 1988. Lúc nhận được đồ của con gái, bà rất tức giận vì chúng còn vương đầy mùi xăng máy bay. Mùi hương bốc lên, bám mãi vào căn nhà không chịu tan đi. Nhưng sau một thời gian, người mẹ bắt đầu cảm kích việc Jensen đã không cho giặt các món đồ, bởi khi tự tay làm sạch chúng, bà đã nguôi ngoai nỗi buồn. Dù sao đó cũng là những thứ cuối cùng nhắc bà về cô con gái xấu số.
Với các gia đình không muốn nhận đồ của nạn nhân, Jensen sẽ chứa chúng trong khoảng 2 năm hoặc lâu hơn, cho tới khi cuộc điều tra vụ tai nạn hoàn tất. Sau đó tất cả sẽ bị tiêu hủy. Nhưng ký ức từ những thứ Jensen đã thu thập được vẫn còn ở lại, vừa ám ảnh vừa giúp đỡ ông làm việc.
Ví dụ Jensen biết rằng vì sao người ta không bao giờ nên làm phồng áo phao trước khi rời khỏi một chiếc máy bay đang chìm xuống. Ông từng tới địa điểm xảy ra tai nạn và thấy các thi thể trôi lững lờ bên trong một chiếc máy bay, bị mắc kẹt lại bởi chiếc áo phao của họ đã được làm phồng quá sớm, trong khi những người khác vẫn sống sót. Ông vẫn nhớ về một người phụ nữ đã chết trong đống đổ nát sau vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma. Chân trái của cô đi giày cao gót và chân phải là một chiếc giày đi bộ bình thường. Ông nhận ra rằng người phụ nữ ấy vừa tới văn phòng và đang thay giày để bắt đầu ngày làm việc. Nếu đến công sở muộn 5 phút trong ngày hôm đó, cô hẳn vẫn còn sống sót.
Nhưng chính công việc dạy Jensen rằng sự lo lắng về nguy cơ xảy ra thảm họa sẽ chẳng giúp ích gì. Ông vẫn cần sống tiếp, một cách thanh thản nhất có thể, để ngày mai lại có đủ sức lực giúp đỡ các gia đình không may vĩnh viễn mất đi người thân trong những vụ tai nạn.
Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Đề nghị dừng hoạt động Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

KHÁNH AN |

Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa có văn bản đề nghị dừng hoạt động của Tạp chí Môi trường và Đô thị.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Kiểm điểm Hiệu trưởng để xảy ra "tai tiếng" thu chi ở trường

Hoài Phương |

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở GDĐT kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng các trường để xảy ra vi phạm thu chi vào đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết

Hà Anh |

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

CLB Nam Định hòa đội Thái Lan tại Cúp C2 châu Á

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Nam Định có thêm 1 điểm sau trận hòa 0-0 trước Bangkok United ở lượt trận thứ 2 tại Cúp C2 châu Á 2024-2025 tối 2.10.

Lý do Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM bị kỷ luật

MINH QUÂN |

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Anh Thi, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM.

Thếp vàng lá 24k bên trong điện Thái Hòa ở Huế

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN PHONG |

HUẾ - Du khách có thể xem hàng chục cây cột của điện Thái Hòa (Đại nội Huế) được nghệ nhân sơn son, vẽ rồng thếp vàng lá 24k.

Người nước ngoài thuê NOXH; mua đi bán lại, đẩy giá lên cao

Trần Tuấn |

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng NOXH cho người nước ngoài thuê; bị mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên, người thu nhập thấp khó tiếp cận.