Theo Newsweek, con vật thuộc loài chim cánh cụt Adélie, được người đi đường tìm thấy tuần trước khi nó xuất hiện trên bãi biển Birdlings Flat của New Zealand.
Harry Singh, người phát hiện ra chú chim cánh cụt cho biết, con vật không hề tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy anh nhưng nó đang đi lạch bạch quanh bãi biển, trông có vẻ lạc lõng và kiệt sức.
Người đàn ông tốt bụng ngay lập tức liên lạc với chuyên gia cứu hộ chim cánh cụt Thomas Stracke, người đã có thâm niên phục hồi các loài chim trong ít nhất một thập kỷ.
Stracke mất khoảng 2 giờ để đến bãi biển sau khi anh nhận được cuộc gọi từ Singh. Stracke thu nhận con chim cánh cụt và tiến hành xét nghiệm máu.
"Ngoài việc hơi đói và mất nước nghiêm trọng, con vật thực sự không quá tệ, vì vậy, chúng tôi đã cho nó uống một ít chất lỏng và cá nghiền" - Thomas Stracke nói với tờ The Guardian.
Người cứu hộ chim cánh cụt ban đầu cố gắng đưa con chim tới Căn cứ Scott - một cơ sở nghiên cứu của New Zealand ở Nam Cực, nằm cách thủ đô Wellington khoảng 4.000km - bằng máy bay của lực lượng không quân. Tuy nhiên, điều này được cho là không khả thi.
Thay vào đó, Stracke đã thả con chim cánh cụt xuống một bãi biển ở Bán đảo Banks trên Đảo Nam của New Zealand, hy vọng con vật cuối cùng có thể tự tìm đường về nhà, The Guardian cho hay.
Những con chim cánh cụt Adélie hiếm khi đi xa khỏi bờ biển Nam Cực hoặc biển băng. Theo New Zealand Birds Online, chỉ có 2 trường hợp được báo cáo trước đây về các cá thể chim cánh cụt đến được New Zealand, một vào năm 1962, đã chết khi được tìm thấy và một vào năm 1993.
Các mối đe dọa môi trường sống mà chim cánh cụt Adélie phải đối mặt gồm có sự hiện diện của các du khách ghé thăm Nam Cực, khai thác tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu đối với băng biển. Tuy nhiên, ở khu vực Biển Ross của Nam Cực, người ta cho rằng có rất nhiều chim cánh cụt Adélie sinh sống và trên toàn thế giới vẫn còn khoảng 10 triệu cá thể loài này.