Kiểm soát chặt biên giới, các cơ quan y tế hoạt động hiệu quả, các nền tảng công nghệ, bài hát khuyến khích rửa tay lan truyền trên mạng... góp phần làm nên cách ứng phó tiết kiệm nhưng hiệu quả cao trước đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. Thành công của Việt Nam là hình mẫu cho những nền kinh tế mới nổi khác học hỏi, tác giả bài viết trên trang project-syndicate.org mở đầu trong bài viết về cách ứng phó đại dịch của Việt Nam.
Bài viết đăng tải trong tuần qua cho hay, khi đại dịch COVID-19 lan rộng, chính phủ các nước "có rất nhiều điều để học hỏi từ cách tiếp cận của Việt Nam". Tác giả Hong Kong Nguyen chỉ ra, truyền thông rõ ràng và phối hợp đồng bộ giữa chính phủ-công dân bằng cách tận dụng công nghệ là những lý do chính khiến Việt Nam có tương đối ít ca mắc COVID-19.
Chỉ ra có rất nhiều hình thức ứng phó COVID-19 hiệu quả ở Châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và không thể không kể đến Việt Nam. Trang tin này cho hay, Chính phủ Việt Nam thắt chặt kiểm soát biên giới, đặt các bệnh viện và sở y tế địa phương trong tình trạng cảnh giác cao với các ca mắc viêm phổi mới từ 3.1, trước khi có ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc và chỉ 3 ngày sau khi dịch bệnh được xác nhận ở đây.
Kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 23.1, tình hình dường như được kiểm soát cho đến khi có làn sóng các ca mắc được thúc đẩy liên quan tới du khách nước ngoài và người dân, sinh viên Việt Nam trở về từ nước ngoài. Dù vậy, Việt Nam đã đối phó tốt, tránh trở thành một điểm nóng về dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, khác với Hàn Quốc - chi tiền đáng kể cho xét nghiệm, hay Singapore - thiết lập giám sát dịch tễ học mạnh, Việt Nam triển khai cách tiếp cận với ngân sách khiêm tốn và chứng minh hiệu quả không kém.
Dù đứng trước nguy cơ có tỉ lệ lây nhiễm cao bởi có đường biên giới chung với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh và có hoạt động thương mại song phương lớn, nhưng số ca COVID-19 của Việt Nam hiện trên 250 ca và chưa có ca tử vong nào.
Project-syndicate.org cho hay, nghiên cứu mới nhất của đơn vị này về phản ứng chính sách với COVID-19 của Việt Nam đã chỉ ra rằng, thành công ban đầu của Việt Nam trong việc làm chậm lại tỉ lệ lây nhiễm liên quan tới việc chính quyền tập trung vào thông tin và giáo dục cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ đồng thời truy tìm những người mang mầm bệnh một cách có hệ thống.
Báo chí và các kênh truyền thông xã hội đã thành công trong chia sẻ thông tin về loại virus mới. Việc hiểu rõ về mối đe dọa được xem là chìa khóa để công dân sẵn sàng hợp tác trong các chính sách như cách ly xã hội hay tự cô lập.
Kể từ ngày 3.1, truyền thông Việt Nam đã mô tả căn bệnh mới ở Vũ Hán, Trung Quốc là bệnh viêm phổi lạ. Từ 9.1 đến ngày 15.3, trung bình 127 bài viết về chủ đề này đã được xuất bản hàng ngày tại 13 trong số các hãng tin nhiều người đọc nhất ở Việt Nam, không có nhiều tin đồn và tin tức giả mạo được lan truyền, theo project-syndicate.org.
Do đó, người Việt Nam không xem COVID-19 chỉ là một loại cúm theo mùa mà là bệnh nghiêm trọng có nguy cơ bùng phát. Kinh nghiệm với dịch SARS năm 2003 cũng như các dịch liên quan tới lợn và gia cầm khác đã giúp định hình nhận thức về COVID-19 và tác động tới sự sẵn sàng hành động của người dân.
Tại Việt Nam, công dân tự nguyện chia sẻ thông tin sức khỏe cá nhân thông qua một ứng dụng do chính phủ ra mắt có tên NCOVI. Đây trở thành một trong những ứng dụng miễn phí hàng đầu tại Việt Nam kể từ khi ra mắt vào ngày 10.3.
Công nghệ cũng đang góp phần trong đối phó với đại dịch. Trong ba tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học ở Việt Nam đã tạo ra những nền tảng đáng tin cậy để theo dõi các ca cách ly COVID-19, tăng sản xuất thuốc khử trùng tay, công bố những phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và phát triển test kit virus SARS-CoV-2.
Đầu tư vào giảm thiểu và nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng được thực hiện theo những hình thức đơn giản nhưng hiệu quả mạnh mẽ khác. Bài hát "Ghen Co Vy" được lan truyền trên phạm vi toàn cầu sau khi xuất hiện trên chương trình của truyền hình Mỹ đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về virus mới và tầm quan trọng của việc rửa tay.
Đáng chú ý hơn, khi biện pháp cách ly được áp dụng với tất cả du khách vào Việt Nam đã được thắt chặt từ cuối tháng 3, cập nhật và đánh giá về hiệu quả và chất lượng của các cơ sở cách ly, khám sức khỏe, xét nghiệm... đã nhận được tương tác tốt trên mạng xã hội Facebook. Hàng trăm hình ảnh về bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và bữa ăn nhẹ được đóng gói cẩn thận được chia sẻ rộng rãi khiến thời gian cách ly 2 tuần nhận được thiện cảm và khuyến khích người dân tuân thủ.
"Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp, kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, tập trung vào đánh giá rủi ro sớm, truyền thông hiệu quả và phối hợp chính quyền - công dân, một quốc gia có nguồn lực hạn chế với hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thực sự phát triển có thể ứng phó với đại dịch" - tác giả bài viết nhấn mạnh.