Màu sắc đại diện cho toàn bộ vũ trụ có thể là màu gì?

Bảo Châu |

Nhìn vào không gian vũ trụ, bạn sẽ thấy có màu gì? Các nhà khoa học đã đi tìm lời giải cho một màu sắc đại diện cho toàn bộ vũ trụ.

Bạn có thể dễ dàng cho rằng vũ trụ có màu đen khi nhìn vào bầu trời đêm huyền bí. Nhưng không phải như vậy.

''Màu đen không phải một màu sắc. Màu đen chỉ là sự vắng mặt của loại ánh sáng có thể nhìn thấy được. Trong khi đó, màu sắc là kết quả của ánh sáng có thể nhìn thấy, được tạo ra bởi các ngôi sao và thiên hà trên khắp vũ trụ'' - giáo sư Ivan Baldry tại Viện Vật lý Thiên văn Đại học Liverpool John Moores ở Anh giải thích.

Năm 2002, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Tạp chí Vật lý Thiên văn do đồng tác giả Baldry và Karl Glazebrook - một giáo sư tại Trung tâm Vật lý Thiên văn và Siêu máy tính tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Australia - thực hiện đã đo lường ánh sáng đến từ hàng chục nghìn thiên hà và kết hợp nó thành một quang phổ duy nhất đại diện cho toàn bộ vũ trụ.

Quang phổ vũ trụ 

Các ngôi sao và thiên hà phát ra sóng bức xạ điện từ, được phân tách thành các nhóm khác nhau dựa trên độ ngắn, dài của sóng. Theo cách phân chia này, chúng ta có các nhóm bao gồm tia gamma, tia X, tia cực tím, ánh sáng có thể nhìn thấy được, bức xạ hồng ngoại, vi sóng và sóng vô tuyến.

Ánh sáng có thể nhìn thấy được chiếm một phần rất nhỏ của quang phổ điện từ về dải bước sóng, nhưng nó là phần duy nhất mà mắt thường có thể nhìn thấy được hay còn gọi là ánh sáng khả kiến. Màu sắc mà chúng ta nhìn thấy thực chất chỉ là các bước sóng khác nhau của ánh sáng khả kiến, chẳng hạn màu đỏ và cam có bước sóng dài hơn, còn xanh lam và tím có bước sóng ngắn hơn.

Quang phổ khả kiến ​​của một ngôi sao hoặc một thiên hà là thước đo độ sáng và bước sóng ánh sáng mà ngôi sao hoặc thiên hà đó phát ra, do đó, có thể được sử dụng để xác định màu sắc trung bình của ngôi sao hoặc thiên hà, nhà khoa học Baldry giải thích.

Một cuộc khảo sát các thiên hà do Đài quan sát thiên văn Australia thực hiện vào năm 2002 đã chụp được quang phổ khả kiến ​​của hơn 200.000 thiên hà trên khắp vũ trụ. Bằng cách kết hợp quang phổ của tất cả thiên hà này, nhóm nghiên cứu của Baldry và Glazebrook đã có thể tạo ra một quang phổ ánh sáng nhìn thấy được, đại diện chính xác cho toàn bộ vũ trụ, được gọi là quang phổ vũ trụ. Và quang phổ vũ trụ này là chìa khóa cho phép họ xác định được màu sắc trung bình của vũ trụ.

Màu sắc trung bình của vũ trụ

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một chương trình khớp màu trên máy tính để chuyển đổi quang phổ vũ trụ thành một màu duy nhất mà con người có thể nhìn thấy được.

Theo đó, nhóm nghiên cứu xác định rằng, màu trung bình của vũ trụ là màu be, gần với màu trắng. Mặc dù màu sắc này có vẻ hơi nhàm chán nhưng không phải là một phát hiện đáng ngạc nhiên bởi ánh sáng trắng là kết quả của sự kết hợp các bước sóng khác nhau của ánh khả kiến. Vũ trụ của chúng ta chính là một sự kết hợp của các bước sóng như vậy.

Sau một cuộc khảo sát ý kiến của cả nhóm nghiên cứu, màu sắc mới của vũ trụ được đặt tên là ''cosmic latte'', theo tên một loại thức uống phổ biến ở Italia có thành phần từ sữa.

Theo các tác giả nghiên cứu Baldry và Glazebrook, khái niệm cơ bản của quang phổ vũ trụ là nó đại diện cho ánh sáng của vũ trụ như vốn có ban đầu của nó, chứ không phải như cách nó xuất hiện trước mắt chúng ta.

Giống như tất cả bước sóng, ánh sáng bị trải dài trong không gian rộng lớn nhờ hiệu ứng Doppler. Khi ánh sáng trải dài ra, bước sóng của nó tăng lên và màu sắc của nó di chuyển về phía cuối màu đỏ của quang phổ, còn gọi là hiện tượng dịch chuyển đỏ. Điều này có nghĩa là ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy không còn giống với màu sắc ban đầu của nó.

Nhà khoa học Baldry cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ hiệu ứng dịch chuyển đỏ ra khỏi quang phổ của các thiên hà. Vì vậy, đó chính là quang phổ của các thiên hà khi chúng bắt đầu phát ra ánh sáng".

Do đó, nếu có thể quan sát vũ trụ từ trên cao, bạn sẽ thấy có màu ''cosmic latte'' - màu của tất cả ánh sáng đến từ mọi thiên hà, mọi ngôi sao và mọi đám mây khí cùng một lúc, tác giả Baldry khẳng định.

Bảo Châu
TIN LIÊN QUAN

NASA lập bản đồ những sao băng sáng lạ thường oanh tạc khí quyển Trái đất

Thanh Hà |

Cầu lửa, loại sao băng sáng lạ thường, có thể phát sáng hơn cả sao Kim, đã va vào bầu khí quyển Trái đất trong 33 năm qua được NASA lập bản đồ.

Xem phi hành gia trên trạm vũ trụ Trung Quốc đi bộ ngoài không gian

Thanh Hà |

Phi hành gia ở trạm vũ trụ Trung Quốc đã đi bộ ngoài không gian vào ngày 20.8, theo Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc (CMSA).

Choáng ngợp cực quang huyền ảo từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS

Khánh Minh |

Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS chia sẻ ảnh và video cực quang vẽ huyền ảo trên bầu trời Trái đất.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Lào Cai phạt quán ăn tăng giá bất thường mùa mưa lũ

Đinh Đại |

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã tiến hành lập biên bản và xử phạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại huyện Bảo Thắng.

Trường sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm học sinh Thanh Hóa nghỉ học

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Do ảnh hưởng của mưa bão, một trường học đang xây dựng thì bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học.