Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA đã tổng hợp dữ liệu từ năm 1988 đến năm 2021 về các quả cầu lửa được phát hiện qua các cảm biến của chính phủ, Daily Mail đưa tin.
Bản đồ thế giới hiển thị các chấm, có bốn kích thước và màu sắc khác nhau của các cầu lửa. Những chấm biểu thị các cầu lửa này tỉ lệ với năng lượng tác động mà mỗi cầu lửa mang khi va vào bầu khí quyển.
Các nhà khoa học sử dụng động năng do cầu lửa tạo ra cùng sóng âm thanh và năng lượng ở các bước sóng khác để xác định kích thước của thiên thể trước khi đi vào bầu khí quyển Trái đất.
Qua cách tính toán này, các nhà khoa học xác định được cầu lửa rơi xuống Chelyabinsk, Nga ngày 15.2.2013 có chiều ngang gần 20m, là thiên thể lớn nhất được hiển thị trên bản đồ.
Nhóm cầu lửa lớn thứ hai được hiển thị trên bản đồ chủ yếu rơi quanh Thái Bình Dương và các quốc gia ven bờ cùng các đảo như Fiji và các đảo khác xung quanh Châu Á.
Theo NASA, nếu một sao băng có thể sót lại sau khi bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất và rơi xuống đất được gọi là thiên thạch. Những thiên thể này đến từ các tiểu hành tinh bị vỡ ra do va chạm hoặc sự kiện khác. Một số là mảnh của các hành tinh khác hoặc thậm chí là mảnh từ Mặt trăng.
Một mảnh đá trên sao Hỏa rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch được đặt trên tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance để giúp hiệu chỉnh thiết bị của tàu.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định, hầu hết các thiên thể đi vào bầu khí quyển của Trái đất từ năm 1988 dường như đã bị vỡ ra phía trên một trong các đại dương của hành tinh chúng ta và hầu hết không bị con người phát hiện.
Paul Chodas - Giám đốc CNEOS - cho biết: "Nhiều người nhìn thấy sao băng khi có mưa sao băng vì có rất nhiều sao băng vào thời điểm đó. Ví dụ, có tới 100 sao băng mỗi giờ với mưa sao băng Perseids. Trái lại, các sự kiện sao băng cầu lửa khá hiếm và có thể xảy ra vào bất kỳ ngày nào trong năm".