Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết hôm 27.5 rằng, Mỹ "sẽ kiên quết phản đối" lệnh cấm của Trung Quốc đối với việc mua chip bộ nhớ của Micron Technology và đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để giải quyết "sự ép buộc kinh tế" đó, Reuters đưa tin.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Raimondo nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của các bộ trưởng thương mại trong các cuộc đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.
Phía Mỹ cho rằng, lệnh cấm này "nhắm vào một công ty duy nhất của Mỹ mà không có bất kỳ cơ sở nào, và chúng tôi coi đó là sự ép buộc kinh tế đơn giản và rõ ràng. Chúng tôi sẽ không dung thứ, cũng như không nghĩ rằng việc đó sẽ thành công".
Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cho biết vào ngày 21.5 rằng Micron - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ - đã không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng của quốc gia tỉ dân và họ sẽ chặn các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty này.
Động thái của Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi những nhà lãnh đạo của các nền dân chủ công nghiệp G7 đồng ý với sáng kiến mới nhằm đẩy lùi sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc, một quyết định được Bộ trưởng Raimondo lưu ý.
"Như đã nói tại G7 một cách nhất quán, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giải quyết thách thức cụ thể này và tất cả các thách thức liên quan đến các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc", bà nói thêm.
Bà Raimondo cũng nêu vấn đề của Công ty chip Micron trong cuộc họp hôm 25.5 với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Wang Wentao.
Bà cho biết, thỏa thuận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về chuỗi cung ứng và các trụ cột khác của cuộc đàm phán sẽ nhất quán với các khoản đầu tư của Mỹ vào Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ.
"Các khoản đầu tư vào Đạo luật CHIPS là để tăng cường và thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước của chúng tôi. Như đã nói, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của các công ty ở các quốc gia trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vì vậy chúng tôi mong rằng các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sẽ tham gia tài trợ cho Đạo luật CHIPS" - Raimondo nói.