Dấu hiệu nguy hiểm
Cuộc khủng hoảng ngân hàng do sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley và Signature Bank làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon chia sẻ với CNN. Ông cho rằng, dù hệ thống ngân hàng vẫn vững mạnh và ổn định, nhưng những bất ổn gần đây quanh hệ thống tài chính đẩy cán cân nghiêng về suy thoái hơn.
Ông Dimon cho hay: Chế độ thắt chặt hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cùng với lạm phát cao hơn, dai dẳng và xung đột Nga - Ukraina là những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế; hi vọng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay sẽ được giải quyết sớm. Không biết, liệu có thêm ngân hàng phá sản trong năm nay hay không? Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn hiện tại không giống cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhận định, việc có một số ngân hàng khác phá sản cũng chưa phải là vấn đề lớn... ông Dimon cảnh báo, các ngân hàng khu vực và người tiêu dùng Mỹ, nên “chuẩn bị sẵn sàng cho lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn". Các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu kho bạc cần phải chuẩn bị cho khả năng đó.
Nguồn phát sinh ở khu vực mới
Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về những lỗ hổng giữa các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Tổ chức này chỉ ra, sự ổn định tài chính toàn cầu có thể phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các tổ chức đó. Tháng trước, ngân hàng Trung ương của Anh đã kêu gọi quan tâm tới vấn đề này.
Các tổ chức phi ngân hàng - gồm các công ty tài chính, cung cấp tất cả các loại dịch vụ tài chính, bao gồm cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp - rất đa dạng, từ quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm, đến quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ rủi ro cao. Theo Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), các tổ chức phi ngân hàng có khoảng 239.000 tỉ USD năm 2021, chiếm gần một nửa tổng tài sản tài chính của thế giới. Khu vực này phát triển mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với cơ sở tài sản mở rộng trung bình 7%/năm.
Các tổ chức phi ngân hàng cung cấp tín dụng được gọi là “ngân hàng bóng tối" (shadow bank). Các ngân hàng bóng tối hiện chiếm khoảng 14% tài sản tài chính của thế giới và hoạt động mà không có mức độ giám sát và minh bạch theo quy định như các ngân hàng truyền thống.
Khi lãi suất tăng như hiện nay, rủi ro với các tổ chức phi ngân hàng tăng lên. Quy mô lớn hơn của các tổ chức phi ngân hàng cũng có nghĩa là những bất ổn trong lĩnh vực này có thể gây bất ổn cho toàn bộ hệ thống tài chính, cũng như có thể lan sang các ngân hàng truyền thống thông qua các mối liên hệ có thực và có thể nhận thức được.
Một trong những rủi ro ở đây là khả năng thua lỗ tín dụng. Rủi ro khác bắt nguồn từ “sự không phù hợp về thanh khoản”, tồn tại trong các quỹ đầu tư mở.
Nicolas Charnay - người phụ trách các tổ chức tài chính châu Âu tại S&P Global Ratings - cho hay, lãi suất tăng và triển vọng kinh tế không chắc chắn cũng khiến việc tài trợ cho một số tổ chức phi ngân hàng châu Âu đắt đỏ và khó tiếp cận hơn.
Trong báo cáo vào tháng Hai, S&P Global Ratings chỉ ra: “Các ngân hàng bóng tối không thể tiếp cận nguồn tài trợ khẩn cấp của ngân hàng Trung ương trong thời điểm căng thẳng và chúng tôi không nhận thấy khả năng các chính phủ sử dụng tiền của người nộp thuế để tái cấp vốn cho một ngân hàng bóng tối thất bại. Điều này có nghĩa là các cơ quan công quyền có những công cụ hạn chế để giảm thiểu rủi ro lây lan" - báo cáo chỉ ra.
Tình trạng ốm yếu tại một tổ chức phi ngân hàng lớn hoặc trong phần lớn lĩnh vực này có thể ảnh hưởng đến ngân hàng truyền thống bởi các tổ chức phi ngân hàng vừa cho vay, vừa vay từ ngân hàng và nhiều tổ chức phi ngân hàng đầu tư vào cùng một tài sản như ngân hàng truyền thống.
Liên kết trực tiếp và gián tiếp giữa các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng không phải là nguồn rủi ro duy nhất cho toàn hệ thống. Niềm tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng và nhận thức đơn thuần rằng ngân hàng có thể kết nối với một tổ chức phi ngân hàng đang gặp khó khăn có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn...