Lại vào đúng ngày mưa như trút nước. Chúng tôi phải chôn chân chờ cả mấy giờ đồng hồ để nước lũ rút ở mấy cái ngầm, xe mới qua được.
Người lái xe và khách đều rất kiên nhẫn, trên hành trình tìm lại quá khứ còn hiện diện trên những gương mặt hôm nay… Và hôm xuống làng, ông trời vẫn giăng mưa, tôi đi cùng một người dẫn đường bản xứ, nhanh nhẹn nói tiếng Anh thuần thục và xử lý tình huống tốt. Nhờ thế, chúng tôi mới có thể tiếp cận được các nhân vật vốn sống rất khép kín, lặng lẽ và ít nói.
Những phụ nữ xăm mặt sống trong các ngôi làng ở những ngọn đồi hẻo lánh của bang Chin năm nay đều đã trên dưới 60 tuổi.
Người ta kể rằng, tục xăm mặt có từ thời xưa để đàn bà xấu đi khỏi bị bắt làm nô lệ cho một ông vua ham sắc và để cho người trong bộ lạc nhận ra nhau nếu bị bộ lạc khác bắt cóc. Sau này, phong tục xăm mặt đã bị chính phủ Myanmar bãi bỏ từ năm 1960. Vì thế, những người phụ nữ xăm mặt còn sót lại như một biểu trưng văn hóa đang dần mất đi… Thực tế là họ hầu như không biết chữ. Một số người Chin theo đạo Phật và số đông hơn theo đạo Thiên chúa, ở Kanpalat cũng có một nhà thờ nhỏ.