Bản tin công bố ngày 31.5 của Financial Times dẫn lời kiến trúc sư trưởng của Huawei Dang Wenshuan cho biết, những nhân viên người Mỹ làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển đã được cho về nước 2 tuần trước sau khi Huawei và 68 chi nhánh bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Danh sách này có nghĩa là Huawei sẽ bị chặn mua các linh kiện từ Mỹ nếu không được sự cấp phép của Chính phủ Mỹ.
Financial Times cho hay, vào thời điểm đó, một hội thảo của Huawei đã bị giải tán ngay, trong khi các nhân viên người Mỹ bị yêu cầu xóa dữ liệu trong laptop, đẩy khỏi mạng nội bộ và rời khỏi các cơ sở của Huawei.
Tờ báo cũng dẫn lời ông Dang cho biết, Huawei đang hạn chế tương tác giữa nhân viên của hãng với các công dân Mỹ.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ngày càng gia tăng về thương mại và công nghệ, trong đó Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc, là mục tiêu chính.
Huawei từ chối bình luận về thông tin mà Financial Times công bố.
Cùng ngày 31.5, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập danh sách các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nước ngoài bị xem là các đối tượng không đáng tin cậy khác - động thái được cho là đáp trả danh sách đen của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Gao Geng cho hay, các thực thể bị xem là "không đáng tin cậy" nếu "họ không tuân thủ các quy tắc thị trường, không theo đúng tinh thần các hợp đồng, ngăn chặn hoặc cản trở cung cấp cho doanh nghiệp Mỹ vì các lý do phi thương mại, làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Theo ông Gao Geng, các biện pháp cụ thể với các thực thể trong danh sách không đáng tin cậy được công bố trong ngày 1.6. Mục đích của danh sách này là để chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc, ông nói.