Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đối mặt những thách thức sâu rộng

Ngọc Vân |

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản hôm 14.9 đã bầu Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga làm tân Chủ tịch và trong phiên họp Quốc hội bất thường vào ngày 16.9 được bầu ông Suga sẽ là Thủ tướng Nhật Bản thay thế cho ông Abe Shinzo.

Chiến thắng cách biệt

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, trong cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng LDP ở lưỡng viện, ông Suga, 71 tuổi, đã giành chiến thắng cách biệt trước hai đối thủ: cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Đa số các phe phái của LDP ủng hộ người phát ngôn hàng đầu của chính phủ trở thành tân Thủ tướng.

Ông Suga giành được 377 phiếu bầu, ông Kishida 89 phiếu và ông Ishiba 68. Cụ thể, cuộc bầu cử có 535 phiếu bầu, trong đó phiếu bầu ở địa phương là 141 phiếu chia đều cho 47 tỉnh thành, mỗi nơi 3 phiếu. Còn lại 394 phiếu bầu tập trung trong các nghị sĩ. Trong 141 phiếu bầu từ các địa phương, ông Suga được 89 phiếu, chiếm trên 60%, ông Ishiba đạt 42 phiếu, ông Kishida đạt 10 phiếu. Như vậy, ông Suga gần như chắc chắn sẽ được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản trong phiên họp Quốc hội bất thường vào ngày 16.9 vì đảng cầm quyền LDP kiểm soát Hạ viện và chiếm đa số trong Thượng viện cùng với đối tác liên minh Komeito.

Cuộc bầu cử chọn ra Chủ tịch LDP diễn ra sau khi ông Abe Shinzo tuyên bố từ chức hôm 28.8 do tái phát bệnh viêm loét đại tràng, chỉ vài ngày sau khi ông trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Thách thức đón đợi tân Thủ tướng Nhật Bản

Giới phân tích nhìn nhận, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những thách thức sâu rộng về cả đối nội và đối ngoại. Ngoài việc phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, tân Thủ tướng sẽ phải đương đầu với các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Việc trẻ hóa nền kinh tế, vốn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu tiếp theo của tân Thủ tướng. Trong năm cuối cùng nắm quyền, ông Abe Shinzo phải đối mặt với một thách thức hoàn toàn mới ảnh hưởng đến toàn thế giới: COVID-19. Chính phủ của ông Abe đã bị chỉ trích vì không thực hiện một chiến lược hiệu quả để đối phó với đại dịch. Một hậu quả của cuộc khủng hoảng là việc trì hoãn Thế vận hội Olympic 2020, dự kiến ​​sẽ diễn ra ở Tokyo vào năm 2020, đến năm 2021 - một diễn biến không được hoan nghênh mà nhiều người đổ lỗi cho chính phủ.

Theo tiến sĩ Alon Levkowitz của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat - chuyên gia về an ninh Đông Á, bán đảo Triều Tiên và các tổ chức quốc tế Châu Á - sự lãnh đạo của ông Abe về các vấn đề an ninh đã dẫn đến những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản và người kế nhiệm của ông sẽ phải quyết định xem Nhật Bản sẽ tiếp tục mở rộng khả năng phòng thủ quốc gia để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực hay đảo ngược hướng đi của ông Abe.

Trước hết là quan hệ Mỹ-Nhật - một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời là lợi ích quan trọng đối với Mỹ. Ông Abe Shinzo đã gặp Tổng thống Donald Trump một vài lần và hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Tuy nhiên, giữa Washington và Tokyo đã có những bất đồng trên nhiều phương diện. Washington yêu cầu Tokyo chia sẻ chi phí cho các lực lượng Mỹ triển khai ở đó, và cán cân thương mại khiến Washington gia tăng áp lực buộc Tokyo phải thay đổi chính sách thương mại. Quan hệ của Tokyo và Washington ở một mức độ nào đó sẽ bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, nhưng nó không có khả năng dẫn đến một sự rạn nứt nghiêm trọng. Tokyo hiểu tầm quan trọng của liên minh an ninh Mỹ-Nhật và người kế nhiệm ông chắc hẳn cũng muốn giữ mối quan hệ bền chặt này.

Trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc có những căng thẳng chính trị về chủ quyền của các hòn đảo và có những căng thẳng quân sự trên các tuyến đường biển. Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Châu Á giữa Tokyo và Bắc Kinh đang diễn ra trong Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), quan hệ đối tác Ấn Độ - TBD cùng các diễn đàn khu vực khác. Ngoài ra, Nhật Bản còn đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây ra hậu quả ở Nhật Bản, do đó tân Thủ tướng sẽ phải cân bằng không chỉ giữa Tokyo và Bắc Kinh mà còn giữa Toyko, Bắc Kinh và Washington.

Về quan hệ với Hàn Quốc, căng thẳng đã gia tăng trong hai năm qua về các vấn đề lịch sử, luật pháp và chính trị. Mối quan hệ Nhật-Hàn có tiềm năng to lớn, nhưng những trở ngại chính trị ngăn cản hai bên đạt được sự thấu hiểu để chữa lành những vết thương trong quá khứ. Thủ tướng mới của Nhật Bản có thể thu hẹp khoảng cách nếu ông có thể vượt qua các lực lượng chính trị bảo thủ ở nước này.

Về quan hệ Triều Tiên-Nhật Bản, Bình Nhưỡng đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Tokyo, đó là lý do tại sao ông Abe tỏ ra e ngại khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chính phủ của ông Abe sợ rằng những lo ngại về an ninh của Nhật Bản sẽ không được Washington xem xét đầy đủ nếu một thỏa thuận với Bình Nhưỡng trở nên khả thi.

Trong thập kỷ qua, Tokyo đã mở rộng khả năng quân sự phòng thủ của mình bằng cách mua các hệ thống phòng thủ tên lửa, mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu, mua xe tăng và máy bay tiếp nhiên liệu, đồng thời nâng cấp lực lượng răn đe. Thủ tướng mới sẽ phải tiếp tục xây dựng khả năng răn đe của Nhật Bản trong khi tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên.

Ngọc Vân
TIN LIÊN QUAN

Bản tin 1 phút 14.9: Ai sẽ là chủ nhân mới của ghế Thủ tướng Nhật Bản?

Nhóm PV |

Những tin chính có trong Bản tin 1 phút ngày 14.9: Học sinh Đà Nẵng ngày đầu đến trường sau dịch COVID-19; Sai phạm của Giám đốc CDC Hà Nội ra sao?; Ghế Thủ tướng Nhật Bản sắp có chủ nhân mới...

Ghế Thủ tướng Nhật Bản sắp có chủ nhân mới

Song Minh |

Ông Yoshihide Suga, phụ tá lâu năm của Thủ tướng Nhật Bản sắp mãn nhiệm Abe Shinzo, dự kiến giành chiến thắng trong cuộc bầu lãnh đạo LDP hôm nay.

Căn bệnh nào khiến ông Abe Shinzo từ chức Thủ tướng Nhật Bản?

Thanh Hà |

Viêm loét đại tràng là căn bệnh mãn tính khiến Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức lần thứ 2 vào ngày 28.8 vừa qua.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.